Bắt hàng chục ngàn con gà giống Trung Quốc lậu

Sự kiện: Kinh Doanh

Phương thức phổ biến của đối tượng là cho giết mổ, phân loại ngay tại khu vực biên giới và cất giấu, vận chuyển bằng xe du lịch, xe đông lạnh. Sau đó hàng được đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc cơ sở đặt hàng trong nội địa.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổng kết năm 2016, phương hướng nhiệm vụ công năm 2017.

Theo đánh giá của BCĐ 389 quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động hơn nhằm đưa các loại hàng lậu vào nội địa tiêu thụ.

Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn còn xảy ra... Các hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp hơn; xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới, như hàng hóa vận chuyển lén lút qua biên giới chủ yếu qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới. Sau đó cất giấu trên các phương tiện vận tải đã được gia cố vách ngăn, hầm hàng bí mật để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Đối với buôn lậu qua đường sắt, đối tượng đưa hàng lên tàu, trà trộn trong toa hành lý cùng hàng hóa của khách đi tàu. Quá trình bốc xếp, vận chuyển chúng thường bố trí người cảnh giới, giám sát báo tin, thậm chí trong nhiều trường hợp huy động các thành phần quá khích cố tình cản trở gây rối để cướp hàng, giải vây cho đồng bọn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.

Đáng chú ý hoạt động vận chuyển trái phép thực phẩm, gia súc, gia cầm. Phương thức phổ biến của đối tượng là cho giết mổ, phân loại ngay tại khu vực biên giới và cất giấu, vận chuyển bằng xe du lịch, xe đông lạnh. Sau đó hàng được đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc cơ sở đặt hàng trong nội địa.

Bắt hàng chục ngàn con gà giống Trung Quốc lậu - 1

Bắt hàng chục ngàn con gà giống Trung Quốc lậu - 2

Lực lượng chức năng phát hiện thịt gia cầm không rõ nguồn gốc

Cụ thể đầu năm 2016 tại khu vực biển Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Tổ công tác thuộc Cục Nghiệp vụ và Pháp luật đã bắt giữ một xuồng vỏ sắt không có số hiệu, từ hướng Trung Quốc về Việt Nam. Qua kiểm tra, trên xuồng có tám đối tượng đang vận chuyển khoảng 15.000 con gà giống và 2.500 con chim bồ câu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Giữa tháng 3, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ, xử lý một đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 15.000 con gà giống qua biên giới.

Đầu tháng 4, tại vùng biển khu vực Trà Cổ, Quảng Ninh, Tổ công tác thuộc Đội kiểm soát chống buôn lậu trên biển khu vực Miền Bắc phát hiện tàu đang vận chuyển hơn 12 tấn thực phẩm đông lạnh nghi là thịt trâu, thịt bò và sườn trâu, sườn bò. Toàn bộ lượng hàng trên có xuất xứ nước ngoài, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Tháng 6, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh kiểm tra một xe ô tô, phát hiện ba tấn chân gà cấp đông không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực, một lập biên bản vi phạm hành chính với một công ty về hành vi khai báo sai chủng loại, số lượng hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa vi phạm là 167 tấn thịt trâu đông lạnh không xương dạng vụn.

Ngày 9-3, BCĐ 389 quốc gia cho biết trong năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương phát hiện, xử lý hơn 223.000 vụ việc vi phạm tăng 8,23% so với năm 2015; nộp ngân sách nhà nước tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu...đạt hơn 21.500 tỷ đồng tăng 59,23% so với năm 2015. Khởi tố 1.561 vụ đối với 1.863 đối tượng.

Dù đạt được một số kết quả như trên nhưng BCĐ 389 quốc gia cho rằng vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn chưa đồng bộ, thống nhất. Số vụ việc khởi tố về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và sản xuất, kinh doanh hàng giả chiếm tỷ lệ nhỏ so với kết quả đạt được. Vì vậy, chưa tạo được hiệu quả răn đe, phòng, chống đối với tội phạm trong lĩnh vực này. Việc xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng nơi để xảy ra vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại chưa được thực hiện triệt để.

Thời gian tới chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan  nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế. Tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng triển khai các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức phối hợp bắt giữ đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp Luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN