Bắt cá mòi thu tiền triệu mỗi ngày: “Lộc trời” trên sông
Mỗi năm sau dịp Tết Nguyên đán, người dân bên bến đò Vũ Điện, xã Hoàng Hanh (TP.Hưng Yên) lại bận rộn chuẩn bị thả lưới để đánh bắt cá mòi. Loài cá này sinh sôi nảy nở trên khúc sông Hồng và trở thành “lộc trời” đầu năm của người dân nơi đây.
Thu nhập 20 triệu/tháng
Gần 30 chiếc thuyền trên bến Vũ Điện vẫn đang chuẩn bị cho công việc thả lưới. Năn nỉ mãi chúng tôi mới được đồng ý cho đi theo trên chiếc thuyền nhỏ của ông Dương Văn Quân (40 tuổi) – người đi thả lưới ca đầu tiên của buổi chiều. Ông Quân đã đánh bắt cá trên khúc sông Hồng này gần 20 năm cho biết rằng, theo kinh nghiệm của các bậc cha ông thì cứ Tết Nguyên đán xong là bắt đầu vào mùa vụ cá mòi. Ông Quân cho biết: “Cá mòi sống ở vùng nước biển mặn nhưng vào mùa xuân ấm chúng bơi ngược về sông để đẻ trứng và sinh sản. Cũng duy nhất ở khúc sông này cá về đẻ trứng nhiều nhất”.
Vào mùa cá mòi, những ngày đầu con nước (12 ngày một con nước) có thuyền đều đặn đánh bắt được 60 – 70kg cá mòi. Giá bán buôn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Giá bán lẻ lên tới 70.000 đồng /kg cho người nhậu “chịu chơi”. Kiếm được tiền triệu trong ngày thì không phải ai cũng gặp may mắn được mẻ lưới nhiều cá. Nhưng nếu đi đều đặn, 1 thuyền cũng có thể kiếm từ 500.000-600.000 đồng/ngày. Có thuyền thu ít nhất cũng được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Cá mòi là đặc sản ở nơi đây nên giá cao hơn nhiều so với các loại cá khác. Ông chia sẻ thêm: “Nhận biết cá mòi rất đơn giản bởi nó có màu trắng nhỏ tầm cỡ cá diếc. Đặc biệt là nó có mùi tanh hơn cả cá mè nước ngọt”.
Cá mòi còn đặc biệt ở chỗ khi lên khỏi mặt nước là chết nên ở trên mỗi thuyền đánh bắt đều có một ngăn đựng đá.
Sau 2 tiếng thả lưới ông Nguyễn Văn Hồ cười khiêm tốn nói: “Ăn thua gì đâu, chắc mẻ này cũng được tầm 30kg. Phân loại to nhỏ chắc cũng được giá 25.000 đồng/ kg. Hôm nay mưa tối nhanh, đợi bà nhà tôi mang cơm tối ra. Vừa ăn, vừa đợi đến phiên đêm làm mẻ nữa thì kiếm được khá thôi”.
Mưu sinh tính chuyện lâu dài
Thuyền bắt cá mòi trên khúc sông Hồng chảy qua xã Hoàng Hanh, nhưng không phải lúc nào ai muốn đi thì đi và thích thả lưới ở đâu thì thả. Mọi người đều phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Mọi người sẽ cắt phiên nhau theo ca để thả lưới, ai ra bến trước thì người đó được thả lưới trước. Khi người ngoài sông bắt đầu thu lưới vào thì người trong bến bắt đầu đẩy thuyền ra.
Ông Hồ chia sẻ thêm: “Phải đoàn kết chứ, đêm hôm còn tương trợ lẫn nhau, người làng người xóm chả ai bảo ai cũng cứ lần lượt mà thả lưới. Ban đêm chờ đến ca mình đi, mấy thuyền còn ngồi chén trà chén nước vui lắm”. Người dân xã Hoàng Hanh cũng chỉ được thả lưới trong một phạm vi nhất định, và thường phải thả theo hình chữ chi để lấy lối cho các tàu lấy cát đi lại. Khi có tàu thuyền đi qua, người dân phải đứng lên làm hiệu để tàu không mắc vào lưới cá.
Vào mùa cá, người dân đánh bắt cả đêm và ngày. Vào ban ngày nước sông trong, cá dễ dàng nhìn thấy lưới nên không đánh bắt được nhiều. Các thuyền cũng quy định nhau, không dùng lưới mắt nhỏ để bắt được cá. Bởi việc mưu sinh trên dòng sông này còn tính chuyện về lâu dài, không thể vì lợi trước mắt mà “diệt” cả những cá nhỏ. Dòng sông còn phải nuôi sống bao thế hệ con cháu ở bến đò Vũ Điện này nữa.