Bắp biến đổi gien được công nhận
Bắp biến đổi gien đủ điều kiện được sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Có khả năng đưa vào sản xuất từ năm 2015.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) vừa chính thức công bố cấp phê duyệt 4 sự kiện bắp biến đổi gien (BĐG) đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Các sự kiện được phê duyệt lần này gồm giống bắp Bt11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034, NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).
Bắp biến đổi gien có khả năng được trồng tại Việt Nam trong năm 2015
Giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi BĐG là không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi. Đây là 4 sự kiện BĐG đầu tiên được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Quyết định ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, vì lợi ích phát triển của toàn ngành nông nghiệp và nông dân trong nước. Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp phù hợp với chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm bớt gánh nặng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Theo Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu đậu tương là 856.000 tấn, giá trị 504 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng nhập khẩu bắp là 2,33 triệu tấn, giá trị 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với công nghệ này, nông dân còn phải chờ quyết định phê duyệt về an toàn sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).
Các sự kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cần phải được cấp giấy chứng nhận An toàn sinh học của Bộ TN-MT trước khi đưa vào sản xuất. Bộ này cũng đang xem xét các sự kiện BĐG đã nộp, trong đó có 4 sự kiện đã được phê duyệt nêu trên. Hiện quá trình hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của hội đồng đã cơ bản hoàn tất. Trên cơ sở đó, hội đồng tư vấn cho bộ để đưa ra quyết định phê duyệt cho việc chính thức sử dụng cây trồng BĐG tại Việt Nam.
Theo TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TP HCM, công tác khảo nghiệm đồng ruộng cây bắp BĐG được tiến hành từ năm 2010-2013. Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN-PTNT đã họp và đánh giá kết quả khảo nghiệm và được bộ công nhận kết quả. Năm 2013 Bộ TN-MT quy định về trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng BĐG, nếu được cấp giấy chứng nhận thì năm 2015 sẽ đưa các giống bắp này vào sản xuất.
Tại hội thảo “Vai trò của CNSH đối với giảm lượng khí thải, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thịnh vượng cho nông dân”, vừa tổ chức tại TP HCM, TS Dương Hoa Xô cho rằng giống cây trồng chuyển gien chính là cuộc cách mạng xanh. Tính đến tháng 3-2014, diện tích cây trồng này trên thế giới lên đến 175,3 triệu ha tại 28 nước. Có 34 nước sử dụng sản phẩm BĐG làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Cũng tại hội thảo, bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM, cho biết CNSH không chỉ giúp tăng năng suất mà có vai trò hạn chế khí thải nhà kính. Bắp sử dụng CNSH có thể giúp nâng cao cán cân thương mại và hiệu quả kinh tế của Việt Nam
Từ năm 1996 đến 2012, cây trồng CNSH góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng sản lượng với trị giá 116,9 tỉ USD, tiết kiệm 497 triệu kg thuốc trừ sâu. Riêng năm 2012 đã giảm lượng khí thải CO2 26,7 tỉ kg, tương đương với 11,8 triệu ô tô trên đường/năm.
Theo TS Dương Hoa Xô, những đơn vị trên phải cung cấp đầy đủ thông tin, các kết quả nghiên cứu về giống BĐG tại các nước có điều kiện tương tự Việt Nam để đánh giá tính phù hợp, tránh lặp lại những nghiên cứu tương tự. Nếu được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học thì những đơn vị có giống bắp BĐG vẫn phải tiếp tục theo dõi, giám sát để đánh giá tiếp các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi đưa giống cây trồng BĐG vào sản xuất. |