Bấp bênh vì mù mờ thông tin

Sự kiện: Kinh Doanh

Sản xuất manh mún, mù mờ thông tin thị trường khiến nông dân, người chăn nuôi trong nước liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.

Từ sau Tết nguyên đán, nhiều mặt hàng nông - thủy sản ở ĐBSCL bắt đầu tăng giá làm người nuôi trồng cảm thấy phấn khởi.

Giá tăng nhưng không còn hàng để bán

Ghi nhận của phóng viên, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đang có chiều hướng tăng. Hiện tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được thương lái mua giá từ 185.000- 210.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg từ 160.000-180.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 80-100 con/kg giá từ 100.000-120.000 đồng/kg, tôm đất cỡ lớn từ 110.000-130.000 đồng, tôm bạc khoảng 100.000 đồng/kg. Theo thương lái, do sức mua các mặt hàng thủy sản tăng, trong khi nguồn nguyên liệu giảm là nguyên nhân dẫn đến tăng giá tôm trên thị trường.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, hiện trên địa bàn đang thả nuôi được hơn 66.000 ha tôm, một số diện tích đang khẩn trương cải tạo thả nuôi kịp lịch thời vụ. Do mới vào đầu vụ nuôi nên sản lượng tôm thu hoạch còn hạn chế, dẫn đến nguồn cung cho thị trường có giới hạn.

Bấp bênh vì mù mờ thông tin - 1

Giá tôm tăng nhưng nhiều người nuôi không còn tôm để bán Ảnh: DUY NHÂN

Bên cạnh tôm thì giá cá tra ở ĐBSCL cũng tăng đáng kể. Hiện giá cá dao động từ 22.000- 23.000 đồng/kg (tăng từ 2.000- 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên, theo số liệu từ chi cục thủy sản các tỉnh, thành ĐBSCL, diện tích nuôi mới cá tra trong tháng 1 lại giảm đến 39% so với cùng kỳ năm 2016, chỉ còn 184 ha; diện tích thu hoạch đạt 174 ha (giảm 18,5%); sản lượng đạt 53.826 tấn (giảm 22%); năng suất trung bình đạt 310 tấn/ha (giảm 3 tấn/ha so với cùng kỳ).

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cho biết: “Tuy giá cá tra tăng cao nhưng hiện các xã viên của HTX đang trong cảnh èo uột vì vừa thiếu vốn lại vừa thiếu cá giống để thả nuôi”.

Cũng từ sau Tết, giá lúa nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh so với thời điểm trước Tết khiến nông dân rất phấn khởi. Tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang…, thương lái thu mua lúa tươi IR50404 từ 4.500-4.700 đồng/kg (tăng từ 200-300 đồng/kg); lúa thơm Jasmine từ 5.300-5.400 đồng/kg (tăng khoảng 100 đồng/kg); lúa OM4900 từ 5.300-5.400 đồng/kg (tăng 400 đồng/kg). Nhiều nông dân khi thấy giá lúa tăng đều tranh thủ bán sạch mà không biết rằng giá sẽ còn tăng nữa. Ông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện phần lớn nông dân đều mù mờ về thông tin thị trường cũng như giá lúa gạo trong nước nên tình trạng giá tăng nhưng không còn hàng để bán cứ xảy ra liên tục. “Bà con nào có lúa thu hoạch ngay thời điểm này rất phấn khởi vì được giá. Riêng tôi có phần tiếc vì đã bán hết từ tuần trước khi giá vừa tăng nhẹ” - ông Lam nói.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết nguyên nhân của việc giá lúa tăng liên tục trong những ngày gần đây là do thị trường xuất khẩu đang rất thuận lợi cùng với thông tin Chính phủ sắp có chính sách thu mua lúa tạm trữ. Từ đó, các doanh nghiệp lo sợ không đủ sản lượng lúa giao cho đối tác theo hợp đồng nên buộc phải tranh thủ mua trước để dự phòng. “Nguyên nhân chính vẫn là thị trường gạo thế giới đang thuận lợi, nhất là khi Trung Quốc đang chuẩn bị hàng hóa (bao gồm gạo và nếp) cho dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Không chỉ có gạo cấp cao mà gạo thường IR 50404 cũng sẽ tăng lên trong đợt này” - ông Thư khẳng định.

Trong khi đó, theo lý giải của một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại TP Cần Thơ, thị trường lúa gạo trong nước sôi động sau Tết do năng suất lúa vụ hè thu 2016 và đông xuân sớm 2016-2017 sụt giảm mạnh vì thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gạo thời gian gần đây có tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2016 đã giúp giá lúa gạo trong nước tăng theo.

Chăn nuôi kiểu... đánh bạc

Ngành thủy sản, chăn nuôi Việt Nam cũng liên tục rơi vào tình trạng điêu đứng vì giá cả bấp bênh. Trong đó, ngành chăn nuôi heo vừa trải qua một cái Tết thê thảm khi giá heo hơi xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua, hàng chục triệu con heo đến tuổi xuất chuồng nhưng không bán được vì thị trường Trung Quốc bất ngờ “đóng băng”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết đặc điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là tự phát, không bền vững. Người chăn nuôi như đánh bạc, gặp khi được giá thì thắng lớn còn khi mất giá thì thua lỗ, phá sản. Đáng chú ý, do có nhiều khâu trung gian nên nhìn chung người chăn nuôi và người tiêu dùng thường bị thua thiệt. Đơn cử là nhiều lúc giá bán tại trại quá rẻ, dưới giá thành nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua lẻ giá cao.

Cuối năm ngoái, ông Ngọc đã có chuyến tham quan châu Âu để học tập mô hình xây dựng chuỗi liên kết cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro để hướng tới sự ổn định và bền vững. Theo đó, “4 nhà” gồm: sản xuất con giống, thức ăn, chăn nuôi và giết mổ sẽ ngồi lại với nhau để đưa ra mức giá hợp lý và khoản lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi mắc xích. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng cũng thống nhất và được in trên bao bì, hệ thống bán lẻ bán đúng giá và hưởng hoa hồng. Nếu thảo luận chưa thống nhất sẽ quyết bằng việc bỏ phiếu. Hiện tại, chuỗi gà thịt mà ông Ngọc tham gia đã vận hành nhưng thị phần còn nhỏ do nhiều người vẫn thích mua bán tự do. Nhiều người chỉ cần thấy lợi trước mắt là lao vào làm mà ít quan tâm đến tính bền vững.

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng thường trực Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (phụ trách chăn nuôi), do Việt Nam chưa điều tiết được cung - cầu nên cứ xảy ra vòng luẩn quẩn thừa - thiếu, tăng đàn ồ ạt khi giá tăng dẫn đến thừa, giá hạ phải bỏ chuồng. “Ở Mỹ, hiệp hội chăn nuôi có vai trò rất lớn trong việc điều tiết thị trường, phát triển ngành. Ví dụ như ngành heo, họ sẽ thu phí trên từng đầu heo bán ra để phục vụ các hoạt động như đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ… Các trang trại khi chăn nuôi đều phải đăng ký quy mô (số lượng) và phải được chấp thuận thì mới được hoạt động. Trang trại nào không thực hiện đều bị phạt rất nặng. Từ việc kiểm soát được đầu vào, sản lượng sản xuất, nhập khẩu mà các hiệp hội điều chỉnh được thị trường, giữ được giá ổn định để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Với ngành chăn nuôi Việt Nam, dù cũng có hiệp hội nhưng thành phần có những người không trực tiếp sản xuất nên chưa “sát sườn” những công việc của ngành hàng. Thời gian qua, trung tâm khuyến nông đã xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi nhưng còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tin tưởng lẫn nhau nên các liên kết thường xuyên gặp trục trặc. Với nông dân, thường xuyên xảy ra việc khi giá tăng thì không bán cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà bán ra ngoài, khi giá thấp thì mua bên ngoài giao cho doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng có chuyện thất tín như trường hợp chiếm dụng vốn rồi “biệt tăm” như chuỗi cá tra ở An Giang vừa qua. Dù vậy, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi vẫn là điều tất yếu của ngành chăn nuôi, những vướng mắc sẽ tiếp tục được tháo gỡ.

Tìm cách “đẩy” hàng

Đối với ngành trứng, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết theo thông lệ hằng năm, giá luôn giảm trong nửa đầu tháng giêng âm lịch. Nguyên nhân là từ 30 đến mùng 4 Tết gần như người dân không mua trứng trong khi gà vịt vẫn đẻ nên các trại đều phải giảm để đẩy hàng. Theo ông Thiện, ở các nước lân cận, tỉ lệ dùng trứng tươi và trứng chế biến ăn liền là 5-5 trong khi Việt Nam hầu hết là dùng trứng tươi (hạn sử dụng ngắn). Thời gian qua, công ty phát triển thêm trứng chế biến như trứng cút phá lấu, trứng vịt kho, trứng gà tiềm thuốc bắc, thời hạn sử dụng 3-4 tháng… tiêu thụ ở kênh cửa hàng tiện lợi rất tốt. “Hiện sản lượng tiêu thụ dòng sản phẩm này đạt khoảng 10% và người tiêu dùng dần quen với dòng sản phẩm mới. Khi trứng chế biến được tiêu thụ tốt sẽ giúp đầu ra cho trứng ở những thời điểm dội hàng” - ông Thiện phân tích.

Dưa leo bán rẻ như cho

Trong khi nhiều mặt hàng nông - thủy sản đang tăng giá những ngày sau Tết, nhà nông trồng dưa leo ở ĐBSCL gặp cảnh lao đao vì dưa rớt giá thê thảm. Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), giá dưa leo loại 1 chỉ 2.000 đồng/kg, dưa loại 2 giá 1.500 đồng/kg; còn dưa loại 3 thì chẳng thương lái nào thu mua.

Với giá này, nông dân thu hoạch bán cho thương lái chỉ đủ trả tiền thuê mướn nhân công hái trái mỗi ngày, còn chi phí đầu tư thì lỗ đứt mỗi công gần 5 triệu đồng. Vì vậy, nhiều diện tích trồng dưa đang cho trái, nông dân không tiếp tục chăm sóc mà bỏ ruộng dưa héo khô. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở một số địa phương khác trong khu vực ĐBSCL.

D.Cầm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THỐT NỐT - CA LINH - DUY NHÂN - NGỌC ÁNH (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN