70% thức ăn đường phố không an toàn
Sự dễ dãi của người tiêu dùng khiến thực phẩm “bẩn” có nhiều đất sống.
Ngày 16-2, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM đã tổ chức 2 đoàn giám sát về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ Bến Thành, UBND quận 1 và Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3).
Người tiêu dùng “tiếp tay”
Theo báo cáo của UBND quận 1, trên địa bàn có 4.172 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống thì trong năm 2016 có đến 2.222 điểm kinh doanh thức ăn đường phố (TAĐP). Kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) của 10 trạm y tế trên địa bàn quận, chỉ có 663 cơ sở đạt chuẩn ATVSTP, tỉ lệ 29,8% (năm 2015 là 10,8%). Nguyên nhân được nhận định là do các đối tượng kinh doanh TAĐP có trình độ học vấn thấp, gia đình khó khăn, kinh tế eo hẹp, không có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, không khám sức khỏe... Các nhân viên y tế cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác tiếp cận, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn về ATTP đối với nhóm kinh doanh này. Cụ thể, các trạm y tế phường thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP miễn phí cho các đối tượng kinh doanh TAĐP nhưng số lượng người tham dự hạn chế, số người đến khám sức khỏe theo luật định cũng còn thấp.
Bác sĩ Lê Văn Thể, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận 1, thừa nhận địa bàn quận 1 chỉ hơn 7 km2 nhưng có hơn 2.200 điểm bán TAĐP, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc tổ chức tập huấn, khám sức khỏe hay xử phạt trong nhiều trường hợp không khả thi do người bán từ địa bàn khác đến, họ không chấp hành thì chính quyền cũng “bó tay”.
Nhiều người tiêu dùng dù biết thực phẩm đường phố không an toàn nhưng vẫn ăn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
“Trong vấn đề khó kiểm soát TAĐP còn do có sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Bán gì cũng ăn. Họ hiểu hết, thấy hết thực phẩm không an toàn nhưng vẫn ăn. Nhiều người đi xe hơi, ăn mặc sang trọng vẫn ăn những hàng quán như thế. Mỗi năm, chúng tôi phát hàng trăm ngàn tờ bướm tuyên truyền về ATVSTP nhưng không ăn thua. Do vậy, đề nghị các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân có ý thức tự bảo vệ mình, biết mất an toàn là không ăn” - bác sĩ Thế nêu ý kiến.
Về vấn đề này, TS Phan Thế Đồng (nguyên Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP HCM) đề xuất: “Nếu những giải pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả thì chúng ta tìm giải pháp khác. Chẳng hạn hỗ trợ người kinh doanh TAĐP bằng cách tập trung họ lại một chỗ hoặc tham gia HTX”.
Quan trọng là phòng ngừa
Tại chợ Bến Thành, đoàn giám sát ghi nhận đơn vị làm tốt công tác ATVSTP, các mặt hàng cơ bản xác định được nguồn gốc, có bao bì, hạn sử dụng, người kinh doanh ngành hàng ăn uống đeo găng tay, tạp dề khi chế biến….
Ban Quản lý chợ cho biết hằng ngày kiểm tra về giá và ATVSTP tại các quầy, sạp; kiểm tra thực phẩm vào chợ như yêu cầu thương nhân phải xuất trình hóa đơn, chứng từ của hàng hóa nhập chợ, kê khai nguồn gốc, lập sổ theo dõi mua bán hàng hóa…; đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất và lấy mẫu kiểm tra nhanh độ ATTP đối với hàng rau củ quả, thịt tươi sống, thực phẩm chế biến, dịch vụ ăn uống. Dù kết quả kiểm tra nhanh độ ATTP chỉ mang tính tham khảo nhưng đã nhận được sự đồng tình của người tiêu dùng và thương nhân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của thương nhân trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lựa chọn hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Theo Ban Quản lý chợ, dù có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa nhập chợ nhưng việc kiểm tra chủ yếu trên giấy tờ, sổ sách của hộ kinh doanh và bằng cảm quan. Khi phát hiện vi phạm thì nhắc nhở, vận động người kinh doanh chấp hành các quy định về ATVSTP chứ không có chế tài xử lý vì không có thẩm quyền.
TS Phan Thế Đồng lưu ý việc kiểm tra, xử lý là biện pháp sửa chữa chuyện đã rồi, biện pháp phòng ngừa mới là quan trọng nhất. Phải làm sao để người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn, hàng hóa bán ra cho người tiêu dùng phải có hóa đơn dù chỉ là hóa đơn tính tiền như ở siêu thị. Đặc biệt, khi đã xác định nguồn gốc thì phải bảo đảm thực phẩm đến tay người tiêu dùng không bị thương lái trộn lẫn hàng gian, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Tại buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, kết luận quận 1 cần tổ chức, xây dựng TAĐP có thương hiệu, bảo đảm ATVSTP; tăng cường tuyên truyền đạo đức kinh doanh, tập huấn về ATVSTP và khám sức khỏe cho người kinh doanh TAĐP. “Cho dù khó vẫn phải làm được vì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không thể “bó tay” vì việc này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Còn làm như thế nào thì cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ người dân đến cơ quan liên quan, chính quyền địa phương. Phải phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và có sự hỗ trợ qua lại, kiểm tra, giám sát giữa các phòng, ban chức năng, chính quyền địa phương” - bà Nhung nhấn mạnh.
Bà Nhung cũng gợi ý quận 1 nên xem xét xây dựng tuyến đường kinh doanh TAĐP để dễ dàng hơn trong việc quản lý.
Tại buổi giám sát ở Trường Tiểu học Trương Quyền, nhiều ý kiến cho rằng việc tuyên truyền kiến thức về ATTP cho học sinh vừa giúp ích cho các em vừa có thể tác động đến phụ huynh trong lựa chọn thực phẩm an toàn. |