70% chợ đầu mối, chợ hạng 2 Hà Nội chưa cam kết kinh doanh an toàn

Sự kiện: Kinh Doanh

70% chợ đầu mối, chợ hạng 2 chưa cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn là con số được đưa ra trong báo cáo mới đây của Sở NNPTNT Hà Nội gửi Bộ NNPTNT về thực trạng công tác quản lý an toàn thực phẩm chợ đầu mối nông sản, chợ dân sinh kinh doanh nông sản.

Quản lý chồng chéo, thiếu quyết liệt

Hiện nay, phần lớn các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối đang kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủy sản tại Hà Nội có vị trí tại khu vực trung tâm thành phố. Đánh giá hoạt động của chợ đầu mối và chợ có tính chất đầu mối kinh doanh trên địa bàn, ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: “Do quy mô nhỏ nên các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối chưa đảm nhận được chức năng đầu mối để tập trung các mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ kinh doanh, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc trong trường hợp cần thiết”.

70% chợ đầu mối, chợ hạng 2 Hà Nội chưa cam kết kinh doanh an toàn - 1

70% chợ đầu mối, chợ hạng 2 Hà Nội chưa cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn. (Ảnh chụp tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội). Ảnh: IT

Thực trạng này đang diễn ra phổ biến khi hoạt động kiểm soát ATTP của lực lượng chức năng chưa triển khai quyết liệt. Đối với chợ hạng 2 và chợ hoạt động có tính chất chợ đầu mối, việc đề nghị cấp các loại giấy tờ về ATTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ hầu như chưa được thực hiện quyết liệt.

Năm 2016, các ngành, các cấp của UBND TP.Hà Nội đã kiểm tra 102.644 lượt cơ sở, phát hiện 16.521 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.985 cơ sở với số tiền phạt trên 28 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra 6 tháng đầu năm 2017, kiểm tra 63.693 cơ sở, phát hiện 10.735 cơ sở vi phạm ATTP. 

Theo báo cáo sơ bộ của các quận, huyện, thị xã, tỷ lệ cấp các loại giấy tờ về ATTP tại chợ trên toàn địa bàn TP.Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 30%, 70% còn lại chưa cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn.

Nguyên nhân dẫn đến tìn trạng trên, theo ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: “Một mặt do các quy định của pháp luật về ATTP tại chợ còn chưa rõ ràng, chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ ngỏ; công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ và chính quyền địa phương chưa quyết liệt; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về ATTP còn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc ngày cang cao. Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của người kinh doanh chưa cao”.

Trong thời gian qua tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ nhiều khó khăn. Việc thực hiện kiểm tra sản phẩm gia súc, gia cầm chủ yếu bằng hình thức cảm quan, không đảm bảo độ chính xác, gây khó khăn về nhiều mặt.

Phát triển điểm bán sản phẩm an toàn

Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, đại diện Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội cho hay, UBND TP.Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ sản xuất đến khâu tiêu thụ các sản phẩm nông sản ATVSTP; luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất, có các chính sách phát triển tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng cao phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu vì tương lai phát triển bền vững của con người.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc cung cấp các thông tin về vùng sản xuất, sản phẩm đặc trưng, doanh nghiệp tiêu thụ, thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực để giúp cho việc tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết: “Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh; quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào đối tượng sản xuất rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm với quy mô tập trung gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó Hà Nội sẽ xây dựng, thí điểm, duy trì các mô hình ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến gắn với việc chứng nhận điều kiện ATTP, chứng nhận hợp quy hoặc chứng nhận phù hợp quy định ATTP. Việc phát triển điểm bán sản phẩm an toàn cũng sẽ được Hà Nội đẩy mạnh, trên cơ sở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đăng ký, cam kết thực hiện các Tiêu chí kinh doanh thực phẩm an toàn để phát triển các cửa hàng, điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thắng (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN