500.000 đồng cho một ngày thu mía, hái tiêu, nhà nông khó thuê người
Thời gian qua, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã chuyển dịch nhanh về cơ cấu ngành nghề sang phi nông nghiệp, dẫn đến thiếu lao động lĩnh vực nông nghiệp ngày càng gay gắt mà đến nay chưa có giải pháp tháo gỡ.
Vài năm gần đây, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch các loại nông sản như: Tiêu, điều, cà phê… nhiều nông dân ở miền Đông Nam bộ lại quay quắt, tất tả xuôi ngược tìm thuê nhân công.
Thời điểm này, vụ mía ở xã Phước Khánh (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đang bước vào giai đoạn cuối vụ. Trên con rạch Vàm Mương, khá nhiều nhân công quần quật chuyển mía lên xe tải về nhà máy. Phần lớn trong số nhân công này đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Nửa triệu đồng cho 1 ngày công
Anh Lê Minh Dũng – một nhân công thu hoạch mía tại đây cho biết, mỗi ngày anh và nhiều thanh niên khác có thể kiếm được 500.000 đồng từ tiền vận chuyển mía. “Công việc này nặng nhọc nên thanh niên ở đây bỏ đi làm công nhân hết là đúng rồi” - vừa nói anh vừa thở hổn hển.
Giá nhân công thu hoạch khá đắt đỏ, nhưng chưa chắc khi cần đã có. Theo anh Dũng, để có nhân công thu hoạch mía, chủ rẫy mía phải đặt “hàng” từ mùa vụ… năm trước, thậm chí còn phải đặt cọc.
Nhân công thu hoạch mía ở xã Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Nai. ảnh: Trần Đáng
Vụ tiêu vừa rồi ở huyện Bù Đốp (Bình Phước) cho thấy, mặc dù kêu giá 200.000 – 250.000 đồng/ngày/công hái, nhưng để thu hút lao động, các chủ vườn còn "khuyến mãi" phục vụ thêm bữa cơm giữa trưa và nếu nhân công hái liên tục đến cuối mùa thu hoạch sẽ được tổ chức buổi liên hoan.
Ông Nguyễn Đức Cương- chủ vườn tiêu 0,5ha tại ấp 1 (xã Thanh Hòa) cho biết, với diện tích này, nếu đủ công lao động để kết thúc đúng thời điểm hồ tiêu chín rộ, cần phải có 10 người hái trong 10 ngày. “Nhân công bây giờ tìm đỏ con mắt cũng khó có. Chủ vườn vừa phải trả giá cao vừa phải làm vừa lòng họ nếu không họ nghỉ làm là chết” - ông Cương thổ lộ.
Trong khi đó, theo ông Võ Văn Đủ - một nông dân trồng hơn 6ha tiêu (xã Lâm San, Đồng Nai), từ sau tết ông đã vắt chân lên cổ chạy lo công hái. Trước đây, lao động nhàn rỗi ở địa phương nhiều nên chỉ đánh tiếng cần người hái tiêu là có ngay công hái, nhưng giờ tìm mãi không ra. “Công hái tiêu bây giờ khó tìm quá, tôi qua xã bên tìm cũng không ra. Chỉ người nhà sao hái xuể. Mỗi sào tiêu phải mất đến hai người hái” - ông Đủ than thở.
Định hướng lại sản xuất
Vụ thu hoạch mía năm nay, nông dân trồng mía bán cho công ty tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn vì không tìm ra nhân công chặt mía dù phải trả mức phí 300.000 – 350.000 đồng/người/ngày. Thu hoạch vẫn hoàn toàn thủ công nên nông dân khốn khổ vì lo mía khô trên đồng, trong khi nhà máy chế biến thì không thể hoạt động hết công suất do thiếu nguyên liệu”. Ông Lê Đình Nghiêm |
Lý giải cho công gặt hái ngày càng thiếu hụt, ông Lê Quốc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho rằng, một số công hái lâu nay là người dân từ các tỉnh đến sinh sống trên địa bàn. Tết đến, họ về quê ăn tết nên chưa quay lại kịp để tham gia lực lượng hái tiêu. Cùng lúc ấy, những người trong độ tuổi lao động ở địa phương có sức khỏe thì chọn làm việc cho các khu công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để có nguồn thu nhập ổn định. Chính vì vậy, mỗi khi vào vụ sản xuất, nhiều người già, trung niên vẫn phải còng lưng chạy đua với thời vụ. Dĩ nhiên, những gia đình không có lao động, dù phải bỏ ra khoản tiền thuê nhân công với giá cao cũng đành chấp nhận.
Ông Bùi Văn Chung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Khánh (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu nhân công thu hoạch cho gần 900ha mía trên địa bàn, xã phải định hướng sản xuất lại cho bà con nông dân trồng mía.
“Vào mùa vụ thu hoạch mía cánh đồng mía 900ha, cần tới 400 nhân công. Thực tế, nhân công thu hoạch mía tại xã chỉ còn khoảng vài chục người, chủ mía phải thuê nhân công từ các tỉnh lân cận tới thu hoạch”- ông Chung nói. Vì thế, theo ông Chung, chúng tôi đang vận động những chủ vườn mía canh tác loại cây trồng khác để tránh cùng một lúc sử dụng lao động trong khi tình hình đang rất khan hiếm. Chúng tôi đang triển khai mô hình trồng khoai mỡ. Nếu thành công, hy vọng tình hình “khát” nhân công trên địa bàn xã sẽ đỡ gay gắt hơn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – một nông dân trồng điều ở xã Hắc Dịch (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng cho biết, ông đang cho trồng thử nghiệm giống điều chỉ sau 2 năm trồng đã cho thu hoạch. “Nếu thành công với giống điều này thì đỡ thuê công hái lắm, vì cây chỉ cao ngang ngực là cho trái rồi”-ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, với 1ha điều đang trồng, mỗi mùa vụ, ông phải thuê khoảng 100 lượt nhân công để thu hoạch trái. Số nhân công này hoàn toàn phải thuê từ nơi khác chứ thanh niên trong xã chẳng còn ai có thể thuê. “Hầu hết trai tráng trong xã đều bị hút vào làm công nhân cho các khu công nghiệp nên mùa vụ thu hoạch điều tìm nhân công rất khó” - ông Khánh thổ lộ.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công, ông Lê Đình Nghiêm - Giám đốc Nhà máy Mía đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết đang dự định đầu tư xây dựng những vùng chuyên canh cây mía rồi đưa khoa học - kỹ thuật, đưa máy móc từ khâu trồng đến thu hoạch vào áp dụng để hạn chế sử dụng nhân công.