1 ngày trèo hồi, người dân "mỏ vàng" Văn Quan có 600.000đ đút túi

Sự kiện: Kinh Doanh

Văn Quan là huyện miền núi, nằm ở phía tây tỉnh Lạng Sơn và cách thành phố Lạng Sơn 30km, trên trục đường quốc lộ 1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên. Nơi đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú với những cánh rừng hồi bạt ngàn, được ví như "mỏ vàng xanh" của đồng bào các dân tộc tại đây.

Lạng Sơn hiện là nơi có diện tích và sản lượng hồi lớn nhất cả nước. Chất lượng hoa hồi xứ Lạng không những nức tiếng trong nước mà còn được thế giới biết đến. Tính đến nay, tổng diện tích hồi ở Lạng Sơn có khoảng 35 nghìn ha, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng, Cao Lộc… Trong đó riêng 2 huyện Văn Quan và Bình Gia đã chiếm tới 56% diện tích cây hồi toàn tỉnh.

1 ngày trèo hồi, người dân "mỏ vàng" Văn Quan có 600.000đ đút túi - 1

Rừng hồi nơi đây được ví như "mỏ vàng xanh". Ảnh: Liễu Chang

Đến Văn Quan vào những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương đang tất bật trên những cánh đồng phơi hồi. Bắt chuyến xe từ thành phố về nơi có “mỏ vàng xanh”, xe mới qua cầu Khánh Khê, chúng tôi đã thấy thoang thoảng hương hồi thơm dịu. Đi sâu vào khu vực trung tâm huyện dọc hai bên đường, ở đâu có bãi đất trống là ở đó có những luống hồi đang được phơi khô.

1 ngày trèo hồi, người dân "mỏ vàng" Văn Quan có 600.000đ đút túi - 2

Hồi sau khi được phơi khô sẽ được đóng bao, vận chuyển lên xe xuất chủ yếu sang Trung Quốc.

Cô Hứa Thị Yếm, thôn Nà Pò, xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan, Lạng Sơn chia sẻ: "Năm nay hồi được mùa, được giá nên bà con phấn khởi lắm. Nhà tôi có hơn 5ha rừng hồi nhưng năm nay là sai quả nhất. Mọi năm lác đác quả, nhiều nhất cũng chỉ được 4- 5 tạ. Nhưng năm nay mới trèo hái được một nửa mà đã thu được gần 2 tấn".

Cô Yếm cho biết nếu trèo hết, chắc chắn gia đình cô phải thu được hơn 4 tấn hồi tươi. Do nhà neo người nên chỉ có mình cô lên rừng hái. Trung bình mỗi ngày cô hái được 50 – 60kg hồi tươi, chiều tối chở ra chỗ thu mua là có hơn 600.000 đồng rủng rỉnh trong túi.

1 ngày trèo hồi, người dân "mỏ vàng" Văn Quan có 600.000đ đút túi - 3

Cô Yếm tất bật với công việc trèo hồi để chiều tối đủ chuyến xe chở mang bán. Ảnh: L.C

Nhiều hộ gia đình tại đây cũng đang tất bật với công việc trèo hồi. Hái đến đâu bà con bán ngay tới đó và thu tiền tươi thóc thật. Cô Yếm cũng cho biết thêm: Nếu sang tháng 9 (âm lịch) nhà nào chưa hái xong thì hồi sẽ bị rụng dần. Vậy nên nhiều hộ gia đình có diện tích rừng hồi lớn phải thuê người hái.

Do nơi trồng hồi thường tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào còn nhiều khó khăn về đời sống và cơ sở hạ tầng giao thông. Rừng hồi lại thường trồng trên đồi núi cao, đất có độ dốc lớn nên việc thu hái hoàn toàn thủ công, thiếu phương tiện hỗ trợ. Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng giá trị kinh tế mà cây hồi mang lại đã góp phần ổn định đời sống nhiều hộ đồng bào tại các vùng trồng hồi.

1 ngày trèo hồi, người dân "mỏ vàng" Văn Quan có 600.000đ đút túi - 4

Những quả hồi (hoa hồi) với những nhánh to, tròn đẹp mắt. Ảnh: L.C

Ông Hứa Văn Thiện, thôn Nà Pò, xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan Lạng Sơn chia sẻ: Năm nay rừng hồi nhà ông cũng cho rất nhiều quả. Tuy nhiên rừng nhà ông chủ yếu là cây đã trồng nhiều năm, già cỗi và thoái hóa nên không năng suất như rừng hồi non. Gia đình ông đã bắt dầu hái từ tháng 7 (âm lịch), hiện đã được hơn nửa diện tích rừng. Nhờ tiền bán hồi mà gia đình ông có thể trả nợ, mua sắm và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. “Tiền hồi cũng đỡ được một giai đoạn đấy”, ông Thiện cười lớn.

Chị Trần Thu Đông, một lái buôn hồi tươi mang về phơi khô tại khu vực phố Điềm He, xã Văn An, Văn Quan, Lạng Sơn cho biết: "Năm nay hồi được mùa, giá bán cao. Nhờ có một chút tiền vốn nên tôi quyết định đầu tư mua hồi về phơi. Bắt đầu thu mua từ tháng 7 (âm lịch) đến nay cũng phơi được khoảng 5 – 6 tấn hồi khô. Hồi tươi lúc mua vào có giá 12.000 đồng/kg, sau khi phơi khô có giá 49.000 – 50.000 đồng/kg. Phơi khô xong sẽ có thương lái về thu mua để xuất bán sang Trung Quốc".

1 ngày trèo hồi, người dân "mỏ vàng" Văn Quan có 600.000đ đút túi - 5

Những bao hồi tươi sau khi được phơi khô đến 85% sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ hồi Lạng Sơn chủ yếu là Trung Quốc. Ảnh: Liễu Chang

Chị Đông cũng cho biết, để phơi được những mẻ hồi có màu vàng đẹp mắt, đạt chất lượng đồng đều cũng khá vất vả chứ không đơn giản. Theo đó, cần cho hồi tươi vào lò sấy ít nhất một đêm, vào những hôm trời mưa thì cần cho vào lò sấy liên tục. Lúc mang phơi nắng phải đảo đều và liên tục để cho những cánh hồi khô và mở ra đều, đẹp nhất.

Hồi vừa là loại cây lâm nghiệp, đồng thời còn là một nguyên liệu quý dùng làm gia vị thực phẩm và dùng trong đông y để chữa trị các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, tiêu đàm, hôi miệng, cảm lạnh và chữa lành các vết thương, tím bầm. Tinh dầu hồi còn được dùng để chiết xuất nước hoa, nấu bia, rượu, làm bánh kẹo. Ngoài ra, tinh dầu hồi còn có tác dụng chống lại sự phát triển của vi khuẩn lao. Theo nghiên cứu mới đây, axit shikimic được chiết xuất từ hoa hồi có tác dụng chữa H5N1 ở gia cầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Liễu Chang (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN