Vì sao Djokovic lại ngại Murray?
Chiến thắng ở chung kết Rogers Cup 2015 của Andy Murray thực sự khiến Djokovic lại phải dè chừng trở lại tay vợt người Scotland ở bất cứ Grand Slam nào.
Video Murray thắng Djokovic chung kết Rogers Cup 2015:
Tỉ số 6-4, 4-6, 6-3 không nói hết được những nét tích cực thực sự của Murray. Nhưng cũng không thể nói là Murray nếu xuất sắc thì phải thắng áp đảo hơn, bởi Djokovic là chuyên gia tàn sát đối thủ trong set cuối sau khi đã thoát hiểm một cách ngoạn mục. Hoặc là Djokovic thắng 6-0, hoặc là tệ hơn cũng phải thắng 6-1, như anh đã làm trước đó với Gulbis trong một trận đấu mà số 1 thế giới tưởng như đã thất bại sau 2 set.
Tám trận thất bại liên tiếp khi đối đầu với Djokovic kể từ 2014 tới nay là một chặng đường đầy khó khăn của Murray. Kết thúc được chuỗi thất bại đó vì thế còn hơn là một chiến thắng, là sự giải thoát của những ám ảnh trong tâm lý, để trở nên tự tin hơn, hoặc chí ít cũng trở lại trạng thái trước kia mà Murray từng có khi đứng trước Djokovic.
Một Murray từng ngang ngửa Djokovic
Trước khi họ gặp nhau ở Rogers Cup thì tỉ lệ đối đầu là 19 trận thắng cho Djokovic trong khi Murray chỉ có 8.
Nhưng nếu tính tới trước khi có chuỗi 8 trận toàn thua của Murray thì tỉ lệ đối đầu thực ra chỉ là 11-8, và Murray dù vậy còn nhỉnh hơn khi họ gặp nhau trong các trận chung kết với tỉ lệ nghiêng về anh là 5-4.
Trong số năm chiến thắng ở các trận chung kết đó có hai đến từ chung kết US Open 2012 và đặc biệt là Wimbledon 2013 lịch sử để Murray khép lại 77 năm chờ đợi của Vương quốc Anh được nhìn thấy một tay vợt chủ nhà lên ngôi.
Nếu như ở Wimbledon 2013 là chiến thắng với tỉ số 3-0 thì ở US Open là trận đấu nghẹt thở mà Murray vượt qua được những giới hạn của bản thân để không sụp đổ khi bị san bằng tỉ số 2-2 dù dẫn trước 2-0 để thắng chung cuộc 3-2.
Tức là trận thắng ở Rogers Cup mới đây có cùng một kịch bản với chiến thắng đã mang lại danh hiệu Grand Slam đầu tiên của Murray. Nó giúp Murray có thể tự tin khẳng định rằng anh từng có quãng thời gian tạo ra được sự thách thức lớn, buộc đối thủ phải dè chừng, và từ nay cũng sẽ trở thành mối đe doạ lớn nhất tới tham vọng trở nên vĩ đại hơn nữa của Djokovic.
Djokovic không được phép chủ quan trước Murray ở chặng đường sắp tới
Một Murray ghê gớm hơn chúng ta tưởng
Quật khởi trở lại ở set ba chung kết Rogers Cup còn giúp Murray duy trì được một thành tích đáng kể: Có được trận thắng thứ 48 sau khi đã thắng trước trong set 1 chỉ riêng trong năm 2015.
Con số 48 này đủ để Murray cải thiện được vấn đề tâm lý khi mà anh có thể trấn an bản thân trong những trận đấu khó khăn về sau, rằng khi mình đã thắng được trong set 1 rồi thì trận đấu sẽ trong tầm tay.
Nói về tâm lý thì Murray của giai đoạn 2012 – 2013 là xuất sắc nhất khi sát cánh cùng với anh là Ivan Lendl.
Và nó là một trong hai nguyên nhân khiến Murray sa sút trong suốt mùa 2014 bên cạnh vấn đề chấn thương. Bị Lendl bỏ rơi thực sự khiến Murray mất phương hướng.
Nhưng Murray thực sự ghê gớm hơn chúng ta tưởng nếu xét trên góc độ khát khao thay đổi để hoàn thiện, điều phần nào được thể hiện qua việc anh thay đổi HLV.
Trong năm năm qua, không ai trong số những tay vợt hàng đầu thế giới có nhiều sự thay đổi về đội ngũ huấn luyện nhiều như Murray.
Đầu tiên là năm 2010, anh chấm dứt hợp đồng với Miles Maclagan để đặt cố vấn trên sân đất nện Alex Corretja lên một vị trí cao hơn, tham vấn cho cả những giải đấu trên mặt sân cứng.
Rồi cũng trong năm đó, Murray quyết định đưa vào ê kíp huấn luyện của mình Dani Vallverdu, một cựu tay vợt chuyên nghiệp người Venezuela, rồi lại chia tay với Corretja để tìm những ý tưởng mới mẻ.
Cuối 2011, Ivan Lendl trở thành HLV của Murray – một quyết định gây ngạc nhiên rất lớn, nhưng về sau này trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt tay vợt khác muốn đi theo con đường là đưa các huyền thoại trước đây trở lại làm HLV (Edberg cho Federer, Becker cho Djokovic, Chang cho Nishikori…).