Khi Federer đưa Djokovic vào “ma trận”

Có thể hiểu vì sao Nole lại tâm phục khẩu phục FedEx sau thất bại ở Dubai đến vậy.

Federer đã đưa Djokovic vào “ma trận” phán đoán: Liệu FedEx có giao bóng và lên lưới hay không, hay anh ta sẽ đứng ở vạch baseline? Điều đó giúp tay vợt người Thụy Sĩ càng trở nên khó lường và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Vấn đề còn lại là Federer có thể duy trì được phong độ như vậy trong phần còn lại của mùa giải hay không.

1. Giao bóng và lên lưới volley sau cú giao bóng 1 (thắng 9/11 điểm, tỷ lệ 81%)

Bản chất của Roger Federer không phải là tay vợt chuyên chơi giao bóng và lên lưới (serve & volley) nhưng tay vợt người Thụy Sĩ được biết tới như một tay vợt có khả năng chơi chiến thuật này mềm mại và biến hóa nhất. Tỷ lệ thành công khi giao bóng và lên lưới của Federer khi gặp Djokovic lên tới 81%, giành 9/11 điểm.

Không phải lúc nào Federer cũng giao bóng và lên lưới, mà chọn thời điểm thích hợp khi giao bóng. Trong số 11 lần tràn lưới, có 9 lần Federer thực hiện khi giao bóng ở ô bên phải (deuce-court) và chỉ có 2 lần ở ô bên trái (ad-court). Federer thực hiện 4 cú giao bóng góc rộng (góc chữ A) khi đứng ở deuce-court, thắng 3/4 điểm, và 5 cú giao bóng vào giữa sân (góc chữ T), thắng 4/5 điểm.

Khi Federer đưa Djokovic vào “ma trận” - 1

Djokovic không thể đoán trước được Federer sẽ chơi như thế nào

2. Giao bóng và lên lưới volley sau cú giao bóng 2 (thắng 2/3 điểm, tỷ lệ 67%)

Sự thật Federer vẫn có những điểm yếu bộc lộ tại giải Dubai, đặc biệt là cú giao bóng 2 không còn nhiều hiểm hóc và quá khó đoán. Minh chứng là những thời điểm Federer không giao bóng 1 tốt, FedEx có thể dễ dàng để mất break, điều đó diễn ra ở trong cả 4 trận đấu của Federer khi gặp Radek Stepanek (vòng 2), Lukas Rosol (tứ kết), Djokovic (bán kết) và Tomas Berdych (chung kết). Dù vậy đôi khi cú giao bóng 2 kết hợp bất ngờ với chiến thuật giao bóng và lên lưới cũng mang lại hiệu quả.

Trong trận đấu với Djokovic, Federer lần đầu sử dụng chiến thuật này ở điểm số 1-1, 40-0 trong set 2, thời điểm rất an toàn để đưa ra những chiến thuật có độ rủi ro lớn. Federer thua điểm này nhưng có lẽ là tiền đề để FedEx thực hiện hoàn hảo giao bóng và lên lưới để có break và dẫn 4-2 trong set 2. Đó là lúc điểm số là 15-0 và 40-30, sau khi Federer giao bóng 2 tấn công cú trái tay của Djokovic và tràn lưới.

3. Trả giao bóng rồi tràn lưới (thắng 1/4 điểm, tỷ lệ 25%)

Đây chắc chắn là chiến thuật ít khi được các tay vợt sử dụng vì người trả giao bóng sẽ ở thế bị động hơn và khó có thể vừa trả giao bóng khó vừa để tạo thời cơ tiến lên gần lưới tấn công. Nhưng Federer đã thực hiện một vài điểm số táo bạo như vậy và đã khiến Djokovic khá “sốc”. Đó như một lời thách thức ngầm với Nole rằng đối thủ của anh ta sẵn sàng tấn công ở mọi thời điểm.

Federer thực hiện cú “approach shot” (cú đánh điểm tạo điều kiện cho tay vợt tràn lưới) ngay trong 2 điểm đầu tiên ở set 3 quyết định, thắng 1 điểm và thua 1 điểm. Áp lực ngay lập tức tăng vọt cho Djokovic và tay vợt người Serbia mất luôn break ở game này vì lỗi giao bóng kép khi tỷ số là 30-40. Không phải lúc nào Nole cũng căng cứng tâm lý như vậy ở điểm số then chốt.

Khi Federer đưa Djokovic vào “ma trận” - 2

Federer kết hợp những chiến thuật hợp lý để giành chiến thắng

4. Bỏ nhỏ rồi tràn lưới (thắng 0/3 điểm, tỷ lệ 0%)

Federer có lẽ thừa biết tốc độ và sự phán đoán nhanh nhạy của Djokovic như thế nào. Vì vậy cả trận FedEx chỉ 3 lần thực hiện những cú bỏ nhỏ và thực tế thua cả 3 điểm này. Nhưng mất điểm không có nghĩa là vô tác dụng. Federer không chỉ bỏ nhỏ mà tiếp tục theo pha bóng với những bước di chuyển nhanh nhẹn để bao lưới. Lúc đó Djokovic sẽ không thể mãi đứng ôm sân sau vạch baseline mà luôn phải cảnh giác dè chừng những pha bỏ nhỏ của Federer.

5. Những cú đánh tạo điều kiện tràn lưới (thắng 10/13 điểm, tỷ lệ 77%)

Những cú “approach shot” phải được thực hiện đúng thời điểm để tay vợt có đủ thời gian và không gian tràn lưới, trước khi chờ đợi cú trả bóng ngắn của đối phương và kết thúc trên lưới. Federer thực hiện rất bài bản chiến thuật này khi thực hiện những cú thuận tay rất nặng tấn công vào cú trái của Djokovic. Nhưng điểm xuyết vào đó là những cú cắt trái tay đặt bóng rất khó và khi Djokovic hóa giải được thì Federer đã ở trên lưới chờ sẵn.

6. Thay đổi vị trí tấn công

Federer thua set 1 và chưa áp đặt được thế trận ở đầu set 2, đó là lúc FedEx cần tới sự thay đổi vị trí thực hiện những cú đánh tấn công. Set 1 có tới 80% cú đánh Federer thực hiện dưới vạch baseline và chỉ có 20% cú đánh khi bước vào trong sân. Đây chẳng khác gì là lấy “sở đoản” đối chọi “sở trường” của Djokovic và người thắng là Nole. Nhưng trong một nửa set 2 và set 3, con số này đã thay đổi chóng mặt. Federer thực hiện 67% cú đánh dưới vạch baseline và 33% cú đánh khi bước vào trong sân. Hiệu quả đã được chứng minh trên bảng tỷ số.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN