Đừng "bơm" Ánh Viên lên cao để làm hại một tài năng

Một lần nữa người hâm mộ Việt Nam "phát cuồng” vì cái tên Ánh Viên, cả về nghĩa đen lẫn bóng. Nhưng dường như chúng ta đã để tình cảm lấn át lý trí và vô tình tước đoạt đi kế hoạch tốt đẹp nhất cho "kình ngư" số 1 Việt Nam vào lúc này.

Video Ánh Viên giành HCB nội dung 400m hỗn hợp ở Moscow:

Tự hào chứ đừng tự mãn

Tự hào sẽ là cảm giác chung mà người Việt Nam cảm nhận khi nghe đến 2 chữ Ánh Viên. “Tiểu tiên cá” quê ở Cần Thơ đã làm rạng danh nước nhà khi gặt hái vô số vinh quang từ sân chơi "ao làng" Đông Nam Á cho đến các giải vô địch thế giới tầm cỡ.

Nhưng đang có quá nhiều người ảo tưởng về một sự thần kỳ mang tên Ánh Viên. Chỉ một số ít, trong đó chắc chắn có HLV Đặng Anh Tuấn, đủ tỉnh táo để hiểu em đang ở vào giai đoạn mang tính bước ngoặt của cuộc đời.

Đừng "bơm" Ánh Viên lên cao để làm hại một tài năng - 1

HLV sợ Ánh Viên mất tập trung và sớm tự mãn bởi sự tung hô của báo chí

HLV Anh Tuấn luôn xuất hiện gần như ngay lập tức sau mỗi chiếc huy chương của cô học trò để “xoa dịu” dư luận. Ông còn mong Ánh Viên phải “mù chữ” để cô mãi là một người “gần gũi, nhân hậu và đáng yêu”. Nhưng vào lúc này, HLV Anh Tuấn có vẻ đang cảm thấy bất lực và đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ cô học trò cưng.

Mọi người không hiểu điều mà ông đang cố gắng làm cho "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam. Công việc quan trọng nhất của HLV Anh Tuấn hiện tại không phải là chỉ đạo nữa. Bất cứ vị quản lý thể thao nào biết bơi cũng có thể vẫy tay và hò hét ở trên bờ.

Thông qua những lời gan ruột, chúng ta thấy ông muốn thúc đẩy cô học trò vượt lên chính mình. Trong thể thao có một thuật ngữ là “vượt qua ranh giới” để ám chỉ VĐV đã chiến thắng được bản thân, qua đó tiến thêm một bước rất dài trong con đường đã chọn.

Bảng so sánh thành tích 400m hỗn hợp:

Ánh Viên (HCB - World Cup Moskva)                  4:40.79

Ánh Viên (xếp thứ 10- Vòng loại giải VĐTG)      4:38.78

Katinka Hosszu (HCV - World Cup Moskva)       4:36.25

Katinka Hosszu (HCV - giải VĐTG)                    4:30.39

Emily Overholt (HCĐ - giải VĐTG)                     4:32.52

Aimee Willmott (xếp thứ 7 - giải VĐTG)             4:38.75

Sau những gì đã thể hiện ở Sea Games và giải vô địch thế giới ở Kazan, Ánh Viên đang ở trong giai đoạn ấy. Nhưng dù thế nào, em chỉ có thể chiến thắng bản thân chứ không thể thắng được sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Vũ đài thế giới, Ánh Viên đang ở đâu?

Những ngày qua, nhiều tờ báo đã đưa Ánh Viên lên mây xanh. Hãy thử tưởng tượng HLV Anh Tuấn cũng vào hùa và nói: “Đúng như vậy. Tốt lắm”. Và Ánh Viên tự nhủ: “Đúng là mình là giỏi thật”.

Câu chuyện sẽ kết thúc tại đây. Không còn cô gái Vàng. Không còn giấc mơ huyền thoại. Chỉ còn lại bi kịch cho thể thao Việt Nam trong tương lai. Để rồi sau đó người ta cứ hỏi tại sao bơi lội nước nhà luôn “mãi không chịu phát triển”, như bóng đá.

Đừng "bơm" Ánh Viên lên cao để làm hại một tài năng - 2

Cô gái sinh năm 1996 mới chỉ ở mức triển vọng như hàng trăm VĐV cùng lứa tuổi khác trên thế giới

Việt Nam sẽ không có Tiến Minh nếu như anh chẳng bị thua trắng 0-15 lúc đấu giải ở tuổi lên 10. Sau đó tay vợt số 1 Việt Nam tập luyện hăng say, tập luyện quên mình với mục tiêu duy nhất: Không bao giờ bị chê cười.

Không có cụm từ nào trong tiếng Việt lại có hại hơn là "Tốt lắm" – những điều chúng ta thấy nhan nhản trong các cuộc thi trong làng giải trí nước nhà, và hôm nay là trên các mặt báo.

Quay trở lại với thực tế, sự gần giống nhau về tên của giải Vô địch bơi lội thế giới (World Championships ở Kazan) và cúp Thế giới (FINA World Cup ở Moskva) góp phần khiến Việt Nam "ảo tưởng" về Ánh Viên.

World Championships ở Kazan tuần trước có thể coi như một giải Grand Slam trong tennis, còn FINA World Cup chỉ đáng thuộc hệ thống ATP 250.

Nếu nhắc đến 8 HCV và phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28 hãy đưa Ánh Viên quay về ao làng Đông Nam Á. Còn trên bản đồ bơi lội thế giới, cô chỉ thuộc dạng triển vọng – một từ vô thưởng vô phạt cũng gây hại không kém.

Tại giải đấu ở Kazan, Ánh Viên đều không thể lọt vào vòng chung kết ở 3 nội dung: 200m tự do nữ, 200m hỗn hợp nữ và 400m hỗn hợp nữ, chứ đừng nói đến việc giành huy chương (2 trong số 3 nội dung trên là sở trường).

Còn tại “ATP 250”, cô gái đến từ Cần Thơ tham gia 3 nội dung gần như tương tự và giành huy chương đồng 200m hỗn hợp nữ và huy chương bạc 400m hỗn hợp nữ. Điều đáng nói là ở nội dung mà Ánh Viên giành huy chương bạc chỉ có 5 VĐV tham dự do VĐV khác bỏ cuộc.

Thậm chí, Ánh Viên bơi 400 mét hết 4 phút 40 giây 79, kém xa so với thành tích 4 phút 38 giây 78 ở Kazan hôm 9/8.

Như vậy Ánh Viên đang thụt lùi nhưng vẫn khiến dư luận phát “cuồng”. Nếu tiếp tục như vậy, dù vô tình, hay cố ý thì chúng ta đang cổ vũ cho sự thui chột của em chỉ vì vài tấm huy chương được gắn mác "giải thế giới". Điều đó có hại cho tương lai của Ánh Viên.

Ánh Viên đang còn cả tương lai dài phía trước, còn phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" rất nhiều để giành được những thành công sáng chói hơn ở những giải lớn, trước mắt là Olympic 2016. Đó mới là những kết quả thiết thực để giới chuyên môn, người hâm mộ chờ đợi thay vì sự tung hô sau những tấm huy chương như ở SEA Games, FINA World Cup.

Ánh Viên thi đấu tại Pháp vào cuối tuần này

Kết thúc ngày thi đấu cuối cùng ở Moscow, Nga, Ánh Viên sẽ lên đường sang Paris, Pháp để chuẩn bị tham dự chặng 2 FINA World Cup 2015.

Sau 2 ngày thi đấu vào cuối tuần diễn ra từ ngày 15-16/8, thầy trò "tiểu tiên cá" sẽ trở về Mỹ ngày 18/8 để tiếp tục đợt tập huấn.

Thông tin thêm về giải bơi FINA World Cup

Các giải bơi thế giới chia làm nhiều cấp độ, trong đó giải FINA World Cup mà Ánh Viên vừa tham dự đứng thứ 4/5 về độ danh giá. Xếp trên giải FINA World Cup lần lượt là 3 giải: World Championships, Olympic, FINA World Master Championships. Xếp sau FINA World Cup là giải dành cho cấp độ trẻ FINA World Junior Championships.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Hà ([Tên nguồn])
Hiện tượng kình ngư Ánh Viên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN