Trận đấu nổi bật

madison-vs-elina
Australian Open
Madison Keys
2
Elina Svitolina
1
emma-vs-iga
Australian Open
Emma Navarro
0
Iga Swiatek
2
ben-vs-lorenzo
Australian Open
Ben Shelton
3
Lorenzo Sonego
1
jannik-vs-alex
Australian Open
Jannik Sinner
2
Alex De Minaur
0

Chờ 4 sao thể thao tuổi Tuất bùng nổ năm 2018

Sự kiện: Muôn màu thể thao

(Tin thể thao) So với đồng nghiệp 9X khác, các VĐV SN 1994 của thể thao Việt Nam có phần trội hơn về cả “mũi nhọn” và “sắc màu”. Điểm nhấn cho lứa tuổi này là nhà vô địch thế giới cử tạ Thạch Kim Tuấn.

Nhà vô địch thế giới cử tạ Thạch Kim Tuấn

Năm 2006, cậu bé mồ côi Thạch Kim Tuấn lọt vào mắt xanh của HLV cử tạ Huỳnh Hữu Chí rồi được mời về đội tập thử với mức tiền công 700 nghìn đồng/tháng. Cậu bé 12 tuổi hiểu rằng, đó là cơ hội đổi đời gần như duy nhất của mình. Tuấn lao vào tập như điên, cả ngày lầm lũi bên những quả tạ, không nói, không cười, thậm chí đến tối mịt mới chịu ra về.

Ngay ở cuộc đấu quốc tế đầu tiên, tại Giải Trẻ thế giới vào đầu năm 2009, gương mặt lạ hoắc 17 tuổi đã gây chấn động khi đoạt liền ba HCB. Từ cột mốc ấy, đô cử mồ côi mẹ đã nhanh chóng vươn tới đẳng cấp hàng đầu thế giới ở hạng 56kg, trở thành một chuyên gia “săn” huy chương quốc tế siêu hạng.

Cũng có những thời điểm Tuấn gặp khó khăn khi trọng lượng cơ thể tăng vọt hay dính chấn thương dai dẳng. Tuy nhiên, với ý chí và sự bền bỉ phi thường, anh đã vượt qua tất cả để chinh phục và trụ vững trên đỉnh cao. Riêng năm 2017, bất chấp phong độ, thể lực chỉ hồi phục 80%, lực sĩ sinh năm 1994 vẫn liên tiếp lập kỳ tích với 1 HCV SEA Games, 1 HCV Đại hội Thể thao trong nhà - võ thuật châu Á và đặc biệt là 3 HCV giải vô địch thế giới. Mục tiêu mà ông bố trẻ Thạch Kim Tuấn đặt ra trong “năm tuổi” 2018 của mình là tranh chấp ngôi đầu ở Asian Games.

Chờ 4 sao thể thao tuổi Tuất bùng nổ năm 2018 - 1

Quách Công Lịch

Hot boy điền kinh Quách Công Lịch

Mãi 17 tuổi, chàng thanh niên người Mường mới được các HLV điền kinh Thanh Hóa để mắt đến qua giới thiệu của chính cô em gái ruột Quách Thị Lan, khi đó vừa nổi lên như một hiện tượng. Qua vài buổi tập thử, anh chàng vốn chỉ quen cưỡi trên lưng trâu đã khiến các ông thày choáng vì bộc lộ tố chất còn hơn cả “chuẩn quốc tế”. Lịch mất đúng một năm để đánh bại mọi đối thủ trên đường chạy 400m và 400m rào, bay thẳng lên đội tuyển quốc gia, chưa kể còn làm “quân xanh” đắc lực cho em gái.

24 tuổi, nhìn thời gian và xuất phát điểm, chàng trai người Mường đã tạo nên một sự nghiệp đáng mơ ước. Dù vậy, chính anh và các HLV vẫn chưa hài lòng, bởi tài năng hiếm có của Lịch đã không được phát huy cao nhất. Tuy đã có cả HCV Asian Grand Prix, song Lịch lại chưa một lần bước lên bục cao nhất tại SEA Games. Lịch rất “cay” vì mình bị coi là “Vua bạc” SEA Games khi bốn lần phải về nhì ở hai kỳ Đại hội 2015 và 2017.

Đáng nói hơn, tuyển thủ Việt Nam đều thua tức tưởi với khoảng cách xíu xiu trước đích và đều khởi nguồn từ lỗi xuất phát chậm. Điểm yếu này gắn với việc tập luyện muộn, thiếu được đào tạo bài bản, mà hot boy điền kinh với chiều cao 1m85, cơ bụng 6 múi, khuôn mặt như một người mẫu sẽ phải dày công khắc phục. Nếu làm được, Lịch hoàn toàn có cơ hội để đua tranh một tấm huy chương tại Á vận hội vào năm nay.

Chờ 4 sao thể thao tuổi Tuất bùng nổ năm 2018 - 2

Hà Ngọc Diễm

“Bông hồng nhiều gai” Hà Ngọc Diễm

Ngọc Diễm không phải là quân của bất cứ “lò” bóng chuyền nổi tiếng nào. Cô được phát hiện và trưởng thành từ một nơi không tên tuổi gì trong làng bóng chuyền nữ - Vĩnh Long. Chính vì thế, khi cô thiếu nữ 15 tuổi phát lộ tố chất ngời ngời tại giải trẻ toàn quốc, giới chuyên môn mới tròn mắt hỏi nhau về “cánh chim lạ” này. Bất chấp điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, đội nhà thiếu hụt lực lượng, liên tục phải lo trụ hạng song Diễm vẫn tiến… vù vù.

Năm 2011, mới 17 tuổi, Diễm đã nổi lên như một chủ công trẻ xuất sắc, rồi được triệu tập thẳng vào đội tuyển quốc gia. Đến giờ, Diễm đang là chủ công hay nhất nước. Ngoài thể hình lý tưởng, lối chơi toàn diện và có bản sắc, người đẹp cao 1m77 còn có lợi thế vô song là có mức bật đà và bật chắn tốt nhất hiện tại (3,12m và 2,95m), hơn hầu hết các đồng đội khoảng 5 - 10cm.

Trong làng bóng chuyền với hàng loạt người đẹp, Diễm vẫn là gương mặt rất riêng, được ví như một “bông hồng nhiều gai”. Chủ công đất Vĩnh Long từng nhiều lần được mời đóng quảng cáo và làm mẫu ảnh, mà bên cạnh vẻ đẹp tự thân, khả năng trình diễn của chị cũng không thua kém gì dân chuyên nghiệp. Dù vậy, khi cảm thấy những hoạt động ngoài lề ấy có thể ảnh hưởng đến bóng chuyền, Diễm dừng lại ngay.

Chị cũng nổi tiếng với tình yêu cùng sự gắn bó đặc biệt với đội bóng quê nhà, bất chấp những thua thiệt về thu nhập, chuyên môn. Trước mùa giải 2017, Diễm đã từ chối lời mời đầy hấp dẫn của ba CLB, trong đó có CLB đưa mức giá 1,5 tỷ đồng cùng mức lương 30 triệu đồng/tháng trong ba năm.

Chờ 4 sao thể thao tuổi Tuất bùng nổ năm 2018 - 3

Nguyễn Thị Nga

Hoa khôi bóng bàn Nguyễn Thị Nga

Vô cùng thú vị vì người đẹp có đôi mắt thông minh và vầng trán dô lại có biệt danh là Nga “ngố”. Chị cũng là tay vợt nữ đầu tiên được tôn vinh “Hoa khôi Bóng bàn” qua bầu chọn tại Giải Vô địch quốc gia 2016.

Chơi bóng bàn từ khi lên 10, đến năm 12 tuổi, cô gái Thái Bình chính thức gia nhập đội Hà Nội để theo con đường chuyên nghiệp. Niềm đam mê cùng cá tính quyết liệt của Nga được chứng tỏ từ chính lần cùng đội sang Trung Quốc tập huấn ngắn hạn mà không thông báo cho gia đình biết. Như Nga nhớ lại: “Em đã nhận lời bay sang Trung Quốc với HLV chỉ gặp mặt đúng một lần. Đi biệt 5 ngày mà không biết cách liên lạc, cả nhà cứ tưởng em đã bị bắt cóc”.

Cũng như các đồng nghiệp nữ khác, Nga đã phải chiến đấu với cái bóng quá lớn của cựu binh Mai Hoàng Mỹ Trang. Và có lẽ duy nhất Nga đã trụ vững, phần nào đó còn vượt lên đàn chị, nhất là tại các giải quốc tế. Nga là người hiếm hoi đánh bại được Mỹ Trang, với chiến thắng ở giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2016. Ngay kỳ SEA Games đầu tiên năm 2015, người đẹp quê lúa đã rực sáng để đoạt HCĐ đơn nữ quý giá cho đội nữ Việt Nam, trong đó có trận vòng bảng đả bại đối thủ số 101 thế giới Li Si Yun.

Bước vào tuổi 24 đáng nhớ, tay vợt nữ số 2 Việt Nam Nguyễn Thị Nga cũng không dấu giếm mục tiêu, cũng là khát khao cháy bỏng của mình: Tiến lên nắm giữ vị trí số 1 ở làng bóng bàn nữ. Đích nhắm ấy khả thi, song không hề đơn giản và chắc chắn Nga sẽ quyết tâm nỗ lực để có thể hiện thực hóa trong từng buổi tập, từng đường bóng. 

Người đẹp tennis Việt kiều khát khao giành vàng SEA Games cho tuyển Việt Nam

Fodor Csilla – tay vợt Việt kiều có bố là người Hungary và mẹ là người Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Minh ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN