Người nâng Dubai lên đẳng cấp xa xỉ toàn cầu
Trên thế giới, hiếm có vị lãnh đạo nào vừa có sự nghiệp tầm cỡ, đáng nể, vừa là một ‘tay chơi cự phách’ như Mohammed.
Quang cảnh khu vực đảo nhân tạo Cây cọ, một công trình bất động sản xa xỉ do Hoàng thân Mohammed bin Rashid al-Maktoum đóng vai trò chính trong việc hình thành
Nếu bạn cho rằng chính trị gia, nhất là lãnh đạo các quốc gia, là những người đạo mạo, nghiêm cẩn và không biết ăn chơi, thì những nhân vật trong loạt bài này có thể sẽ khiến bạn nghĩ khác. |
Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) nổi tiếng với sự giàu có, đời sống thượng lưu, khu vực mua sắm hàng xa xỉ, kiến trúc siêu hiện đại và cuộc sống về đêm nhộn nhịp. Đất nước này còn nổi tiếng bởi các tỷ phú giàu sang, các hoàng thân phú quý, và Hoàng thân Mohammed bin Rashid al-Maktoum là một trong những nhân vật đặc biệt nhất tại đây.
Hoàng thân Mohammed là Tiểu vương của Dubai, kiêm Thủ tướng và Phó Tổng thống của UAE, khiến cả thế giới chú ý khi ông nối nghiệp anh trai là Hoàng thân Maktoum bin Rashid Al Maktoum vào năm 2006. Trên thế giới, hiếm có vị lãnh đạo nào vừa có sự nghiệp tầm cỡ, đáng nể, vừa là một ‘tay chơi cự phách’ như Mohammed
Hoàng thân Mohammed là Tiểu vương của Dubai, kiêm Thủ tướng và Phó Tổng thống của Các Tiểu vương quốc Ả Rập.
Tờ Forbes ước tính khối tài sản của Mohammed sở hữu trị giá 18 tỷ USD. Ông là cổ đông chính của tập đoàn đầu tư Dubai Holding, với cổ phần trong HSBC và Sony, cũng như nhiều bất động sản khác trên thế giới.
Lột xác đất nước
Mohammed đóng vai trò chính trong việc chuyển đổi và định hình nên hình ảnh mới của Dubai, trở thành một điểm đến thương mại phong lưu hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của UAE chỉ chiếm khoảng 8% GDP, trong khi các nước láng giềng là hơn 80%. Phần lớn thu nhập của UAE đến từ các hoạt động thương mại, du lịch, bất động sản, xây dựng và dịch vụ tài chính - lĩnh vực mà Mohammed kinh doanh.
Khách sạn Emirates Palace (6 tỷ USD) là khách sạn đắt thứ hai trên thế giới từng được xây dựng.
Ông là động lực chính phát triển các bất động sản xa xỉ như quần đảo Cây Cọ (đảo nhân tạo), khách sạn Burj Al-Arab, tòa tháp Burj Khalifa, Dubai World Cup và Godolphin Stable. Những công trình này đã đẩy nền kinh tế UAE có những bước nhảy vọt.
Hầu như toàn bộ khung cảnh Dubai đã ‘lột xác’ theo tầm nhìn của Hoàng thân Mohammed. Burj Khalifa là tòa tháp cao nhất thế giới, còn Burj Dubai được coi là khách sạn ‘7 sao’, gần như là biểu tượng của Dubai. Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm tốc các tham vọng của Mohammed, nhưng nó không khiến vị Hoàng thân nản chí. Khi CNN phỏng vấn Mohammed: “Ngài muốn đi xa tới cỡ nào?”, ông đáp: “Tôi muốn là số 1”.
Khung cảnh ‘siêu hiện đại’ tại Dubai.
Ông hay tới các cơ quan chính phủ mà không báo trước, hoặc vào các thời gian rảnh, để khuyến khích làm việc và cung cấp dịch vụ hiệu quả. Các bộ ngành trong chính phủ cũng phải vận hành theo nguyên tắc kinh doanh. Ông không chấp nhận sự lười biếng, hoặc làm ăn bất chính.
Mohammed không dung thứ cho tham nhũng. Ông đã ra lệnh bắt ngay lập tức Obaid Saqr bin-Busit, người đứng đầu cơ quan Hải quan Dubai kiêm Chủ tịch Hiệp hội Hải quan Thế giới, sau khi biết có sự việc tham nhũng liên quan tới nhân vật này.
Dinh Tổng thống (trong quá trình xây dựng) tốn khoảng 490 triệu USD.
Những thú vui tao nhã xa xỉ
Mohammed là một người hâm mộ cuồng nhiệt đối với môn đua ngựa và đua lạc đà. Ông sở hữu Darley Stud, trại nuôi ngựa giống lớn nhất thế giới, và mua trại ngựa giống Ingham ở Australia với giá 460 triệu USD.
Ông đứng hàng đầu trong cuộc sống phong lưu thượng hạng tại dinh thự bên bờ biển Dubai. Hoàng thân sở hữu du thuyền Dubai, dài 162m, có sức chứa 155 người và cũng là du thuyền lớn thứ ba thế giới.
Du thuyền Dubai của Hoàng thân Mohammed, dài 162m, có sức chứa 155 người và cũng là du thuyền lớn thứ ba thế giới.
Ngoài các sở thích trên, Mohammed còn có niềm đam mê đối với xe ô-tô. Trong ga-ra của ông được cho là có 100 chiếc xe sang, với các tên tuổi như Porche hay Ferrari. Khi đội tuyển bóng đá UAE thắng giải Vùng Vịnh, Hoàng thân và gia đình ông đã gửi tặng đội bóng tổng thể 24 triệu USD.
Đặc biệt, từ khi còn nhỏ, Mohammed đã yêu thơ ca. Ông làm thơ từ sớm và thơ của ông được hầu hết người dân Ả Rập biết tới.
Hoàng thân Mohammed say mê môn đua ngựa, và sở hữu nhiều trang trạng ngựa giống lớn trên thế giới.
Mohammed có tiếng là hào phóng và tên tuổi ông gắn liền với nhiều sự kiện quyên góp tiền thiện nguyện. Ông tặng 5 triệu USD cho các nạn nhân vụ khủng bố tòa tháp đôi tại Mỹ bị khủng bố năm 2001. Năm 2007, ông dành ra số tiền 100 triệu USD thành lập quỹ Rashid Al Maktoum. Ông tham gia mạng xã hội Twitter với hơn 2,4 triệu lượt người ‘theo dõi’.
Tuy vậy, Hoàng thân Mohammed phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện tụng, và ông giải quyết hầu hết các vụ việc bên ngoài phiên tòa bằng các thỏa thuận tiền bạc. Tháng 9/2006, Mohammed bị cáo buộc khuyến khích việc bắt cóc và biến hàng ngàn bé trai làm nô lệ để tham gia các cuộc đua lạc đà.
Hoàng thân Mohammad Bin Rashid Al Maktoum nâng chiếc cup trong một cuộc đua ngựa ở Dubai.
_____________________
Đón đọc kỳ sau vào 19h ngày 2.5: Donald Trump - chính trị gia tay chơi nhất Mỹ