IS liên lạc khủng bố Pháp bằng cách ít ai ngờ

IS đã sử dụng một hệ thống chơi game kém bảo mật nhưng đông đảo người chơi, để tránh sự theo dõi từ các cơ quan an ninh.

Sau vụ khủng bố liên hoàn xảy ra đêm 13.11 tại Paris (Pháp), cơ quan chức năng đang điều tra cách những kẻ khủng bố trao đổi thông tin, lên kế hoạch thực hiện. Theo Forbes, nhóm khủng bố có thể đã liên lạc với nhau thông qua hệ thống máy chơi game PlayStation 4 (PS4) của Sony.

IS liên lạc khủng bố Pháp bằng cách ít ai ngờ - 1

Một bộ máy chơi game PlayStaion 4.

Forbes cho biết, trong quá trình săn lùng những kẻ tham gia vụ khủng bố, đã có một cuộc tấn công ở gần thủ đô Brussels của Bỉ. Các bằng chứng mà cảnh sát thu được cho thấy, nhóm khủng bố đã sử dụng PS4.

Trước đó, nhiều tên khủng bố đã bị bắn chết ngay tại hiện trường, nhưng lực lượng tham gia vụ khủng bố tại Paris hôm 13.11 được cho là đông hơn nhiều số chiến binh đã bị tiêu diệt.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ Liên bang Bỉ, ông Jan Jambon khẳng định: PS4 được các chiến binh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng để trao đổi thông tin. Nó được chọn do hệ thống rất khó để theo dõi. “PlayStation 4 thậm chí còn khó khăn để theo dõi hơn so với ứng dụng WhatsApp trên điện thoại”, ông Jambon nói.

IS liên lạc khủng bố Pháp bằng cách ít ai ngờ - 2

Màn hình thiết lập trong hệ thống PS4.

Hiện vẫn chưa rõ những kẻ khủng bố đã tận dụng PS4 như thế nào, nhưng rất có thể là thông qua nhắn tin riêng hay trò chuyện bằng giọng nói trong một tựa game cụ thể. Vào năm 2013, tài liệu rò rỉ từ điệp viên Edward Snowden từng tiết lộ, các cơ quan an ninh NSA và CIA đã “cài” người vào thế giới game World of Warcarft để theo dõi khủng bố.

IS liên lạc khủng bố Pháp bằng cách ít ai ngờ - 3

Các cơ quan an ninh đã phải "cài" người theo dõi khủng bố trong các game đông người chơi như World of Warcraft.

Với PS4, đây là một hệ thống bảo mật kém nhưng có khoảng 110 triệu người dùng trên khắp thế giới, trong đó có 65 triệu người dùng thường xuyên. Do đó, dù nó thiếu an toàn nhưng vẫn khó theo dõi hơn so với việc gọi điện thoại, nhắn tin hay thư điện tử mã hóa.

Điều đáng sợ nhất là những kẻ khủng bố còn có thể gửi thông điệp cho nhau mà không cần nói một lời nào. Chẳng hạn, một chiến binh IS có thể nói về một kế hoạch tấn công bằng cách sắp xếp các đồng tiền xu trong game Super Mario với chức năng tự tạo bản đồ. Trong một tựa game khác, hai người chơi game Call of Duty có thể viết tin nhắn cho nhau trên một bức tường ảo trong game bằng một bình xịt.

Những điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế có rất nhiều cách giao tiếp phi ngôn ngữ trong game mà hầu như sẽ không thể nào theo dõi được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (Theo Forbes) ([Tên nguồn])
Khủng bố đẫm máu ở Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN