Đau đầu với "hố tử thần" khổng lồ bí ẩn nhất thế giới
Hình thành sau một tiếng nổ cực lớn kèm ánh sáng chói lóa bầu trời, hố tử thần trên bán đảo Taimyr ở vùng Siberia (Nga) nay đã trở thành một hồ nước rộng 70m và sâu tới 100m.
Hố tử thần tên Deryabinsky trên bán đảo Taimyr ở vùng Siberia.
Khi xuất hiện vào năm 2013, hố tử thần tên Deryabinsky trên bán đảo Taimyr ở vùng Siberia rộng khoảng 4m, sâu gần 100m, suýt nuốt chửng một đàn tuần lộc. Đất, cát và băng bắn khắp khu vực rộng gần 1km sau một tiếng nổ lớn, và các nhà khoa học nghĩ rằng nó được tạo ra bởi các vụ nổ khí mê tan dưới mặt đất.
Sau khoảng hơn 1 năm, hố Deryabinsky đã mở rộng gấp hơn 17 lần và hiện trở thành hồ rộng khoảng 70m với nước hình thành từ băng tan chảy. Các chuyên gia khám phá khu vực này và thu được những thông tin chưa từng biết đến trước đây từ các nhân chứng ở khu vực xung quanh.
Khi lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013, hố tử thần Deryabinsky suýt nuốt chửng cả đàn tuần lộc.
“Những người dân sống tại những ngôi làng cách hố Deryabinsky khoảng 70 đến 100 km đã nghe thấy một âm thanh lớn như một vụ nổ và một số người đã tận mắt chứng kiến ánh sáng chói lóa trên bầu trời. Sự việc xảy ra khoảng 1 tháng sau khi thiên thạch Chelyabinsk rơi xuống Trái đất”, tiến sĩ Vladimir Epifanov cho biết.
Người dân địa phương cho rằng hiện tượng này có thể là một thiên thể khác phát nổ khi rơi xuống mặt đất, nhưng các nhà khoa học phủ nhận điều này. Cho đến nay, chưa có giải thích rõ ràng về sự hình thành của hố Deryabinsky.
Cách hố tử thần Deryabinsky trên bán đảo Taimyr khoảng 480 km, hàng chục hố lớn tương tự cũng hình thành trên bán đảo Yamal, khu vực mà người dân địa phương gọi là “địa ngục của thế giới”.
Sau khoảng hơn 1 năm, hố Deryabinsky đã mở rộng gấp 15 lần và hiện trở thành một hồ lớn với nước hình thành từ băng tan chảy.
Phần lớn mọi người đồng ý với giả thuyết cho rằng các hố tử thần hình thành trên bán đảo Yamal là do hiện tượng biến đổi khí hậu vì áp lực của khí mê tan giải phóng từ lớp băng vĩnh cửu tan chảy ra dẫn đến hiện tượng phun trào.
Nhưng đối với hố Deryabinsky trên bán đáo Taimyr, các nhà khoa học tin rằng có một lý giải khác. Tiến sĩ Epifanov cho rằng đây không phải là hậu quả trực tiếp từ biến đổi khí hậu vì vụ nổ xảy ra rất sâu dưới bề mặt.
Ông cho phỏng đoán rằng đây là một quá trình khử khí bình thường, khi khí hóa lỏng ở độ sâu cách mặt đất 500m thay đổi và giải phóng khí mê tan. Điều này khiến khí mê tan tích tụ ở độ sâu cách mặt đất khoảng 100m trước khi phát nổ và tạo thành hố như hiện nay.