US Open 2015: Một Grand Slam “kỳ lạ”

Sự kiện: US Open 2024

US Open chính là Grand Slam kỳ lạ nhất trong sáu năm qua nên nếu chức vô địch không thuộc về Djokovic, hay Federer cũng không phải là bất ngờ quá lớn.

Xem lại video Federer đánh bại Djokovic ở chung kết Cincinnati 2015:

Kỳ lạ bởi sáu năm qua, có bốn lần người lên ngôi vô địch không phải là tay vợt được đánh giá cao nhất trước đó. Nó bắt đầu từ cuộc lội ngược dòng không tưởng của Juan Martin Del Potro trước Federer ở thế bị dẫn trước hai set năm 2009.

Nó tiếp nối với sự kiện Nadal lần đầu tiên lên ngôi năm 2010, đi ngược lại những nhận định rằng Nadal khó có thể vươn tới đỉnh cao của đỉnh cao ở trên mặt sân cứng ở thời điểm đó.

Đến năm 2012, Andy Murray bất ngờ chấm dứt chuỗi bốn trận chung kết Grand Slam đều thua bằng việc đánh bại Djokovic – người được đánh giá cao nhất – để lần đầu tiên vô địch một giải lớn.

Nhưng chẳng có gì có thể bất ngờ hơn khi năm ngoái, Cilic và Nishikori cùng nhau làm nên một trận chung kết Grand Slam hiếm hoi không có ai trong nhóm Big 4 trong khoảng chục năm gần đây. Và Cilic, người bị đánh giá thấp hơn, đã hạ Nishikori chỉ sau ba set, để trở thành người Croatia thứ hai trong lịch sử vô địch Grand Slam (sau Goran Ivanisevic).

US Open còn kỳ lạ ở một điểm nữa: Federer và Nadal, hai tay vợt xuất sắc nhất ở kỷ nguyên của họ (và có thể cả lịch sử), đã cùng nhau giành tới 31 Grand Slam (nhiều hơn bất cứ cặp kỳ phùng địch thủ nào), nhưng lại chưa từng gặp nhau dù chỉ một lần ở đây.

Họ từng đến rất gần nhau, nhưng cuối cùng một trong hai lại thua khá lãng nhách, như trường hợp của Federer thất bại trước Robredo năm 2013 tại vòng 4, trong khi Nadal đã chờ sẵn huyền thoại Thuỵ Sĩ ở tứ kết.

Chưa hết, US Open chính là nơi Federer đã và đang phải chờ đợi lâu nhất để có thêm một lần đăng quang nữa khi lần cuối anh lên ngôi là năm 2008, cách nay đã bảy năm.

US Open cũng là nơi Djokovic vất vả nhất mà thành tích lại nghèo nàn nhất nếu không tính tới Roland Garros, bởi cho tới hôm nay, tay vợt vĩ đại nhất của Serbia đã có năm lần vào chung kết nhưng mới chỉ chiến thắng đúng một lần năm 2011. 

Tập hợp tất cả những dữ kiện này, US Open vì thế đã trở thành giải đấu duy nhất trong hệ thống Grand Slam trong sáu năm qua không có ai đủ khả năng để bảo vệ ngôi vô địch.

US Open 2015: Một Grand Slam “kỳ lạ” - 1

Federer lần cuối vô địch ở US Open đã cách đây 8 năm

Cần sự xuất sắc vượt ngưỡng để thống trị

Sau ngày thi đấu đầu tiên, những bất ngờ đã nối tiếp nhau: Ivanovic bị loại ở đơn nữ và đỉnh điểm là á quân 2014 Nishikori đã bị khuất phục sau 5 set căng thẳng với Benoit Paire.

Nishikori là hạt giống số 4, đã tiến bộ vượt bậc trong hai năm qua và lý do chấn thương hay mệt mỏi do liên tục tham dự các giải trước thềm US Open không phải tận cùng của vấn đề.

Và Nishikori chắc chắn không phải là cú sốc duy nhất ở những ngày đầu của giải. Năm ngoái, một nửa số các hạt giống, trong đó có Ferrer, bị loại ngay sau khi vòng 3 kết thúc.

Nhưng điều gì đã khiến cho US Open trở thành Grand Slam khó đoán nhất, tiềm ẩn nhiều bất ngờ nhất?

Mặt sân cứng Deco Turf ở US Open phải tới năm ngoái mới được điều chỉnh để có tốc độ bóng nhanh trở lại không hẳn là nguyên nhân đáng kể. Nó đã đón nhận những nhà vô địch là các tay vợt chơi theo trường phái bóng bạt là Del Potro và Cilic, nhưng số tay vợt chơi bền bỉ chiến thắng ở đó vẫn áp đảo hơn như Nadal, Djokovic, Murray.

Vấn đề thực sự của nó có lẽ là sự kết hợp ở thời điểm tổ chức – Grand Slam cuối cùng trong năm – với chính bản thân những tay vợt đã thống trị tennis thế giới trong thời gian qua, đã thắng ở phần lớn ba Grand Slam trước đó, không đủ khả năng để duy trì phong độ đỉnh cao cho tới phần cuối của mùa giải trong nhiều năm liên tiếp.

Năm ngoái Djokovic đã sa sút đáng kể sau những nỗ lực ở giai đoạn mùa Hè để chinh phục Roland Garros (bất thành) và Wimbledon. Federer cũng vậy, đã dốc sức cho Wimbledon và tới US Open thì thua Cilic ở bán kết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
US Open 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN