Federer thắng, và sẽ lại thắng Djokovic

Federer cho thấy nếu có gặp lại nhau ở chung kết, Djokovic nhiều khả năng cũng sẽ lại là kẻ chiến bại.

Video trận Djokovic - Federer

Nếu có sự lựa chọn những trận đấu hay nhất của Federer trong năm 2015, đây có thể là một. Thậm chí, nó hoàn hảo hơn cả so với trận đấu ở bán kết Wimbledon 2015 mà Federer đã nghiền nát Murray. Và nó vượt trội so với trận đấu mà anh đã thắng Nadal ở Basel, cũng như ấn tượng hơn cả chính trận thắng của Federer trước Djokovic ở chung kết Cincinnati 2015.

Tỉ số 7-5, 6-2 nói lên nhiều điều, nhất là khi nó phản ánh một cách tương ứng với những gì diễn ra trên sân O2 ở một thời điểm mà trận đấu bắt đầu lúc 3:00 sáng theo giờ Việt Nam. Federer chơi cực kỳ xuất sắc ở những thời điểm then chốt của trận đấu, bẻ game giao bóng thứ sáu của Djokovic trong set đầu, và buộc Djokovic phải đầu hàng ở set sau dù cho có lúc Djokovic bẻ game trở lại của Federer cũng cực dễ.

Nhưng ngay cả khi cả hai lần lượt bẻ game của nhau trong set hai, cũng vẫn có sự khác biệt: Federer tự ghi điểm trực tiếp, buộc Djokovic phải đánh hỏng; còn Djokovic bẻ game của Federer là nhờ tay vợt người Thuỵ Sĩ tự đánh hỏng.

Ấn tượng mà Federer tạo ra còn ở việc anh kiểm soát toàn bộ trận đấu, ở mọi cách chơi, đặc biệt là ở một “chiến trường” bóng bền mà anh thường là kẻ bại trận. Nếu như trận đấu chỉ là cuộc chơi của lối đánh giao bóng lên lưới, của công thức giao bóng rồi thực hiện cú dứt điểm (theo chiến thuật Serve + 1) thì việc Federer trổ tài là chuyện thường. Đằng này, Federer áp chế cả trong những pha đôi công bóng bền.

Federer thắng, và sẽ lại thắng Djokovic - 1

Federer vẫn là "Tàu tốc hành"

Ghi được tới 20 điểm so với 13 của Djokovic ở các loạt đánh từ 5-9 lần chạm vợt, cùng ghi 4 điểm ở các loạt đánh trên 9 lần chạm vợt là một thông số ngạc nhiên và quan trọng. Trong khi đó, ở các đường bóng nhanh, diễn ra gọn, Federer vẫn áp đảo, 44 so với 34 điểm thắng của các pha bóng dưới 5 lần chạm vợt.

Federer đã từ chối nói về bí quyết chiến thắng, nhưng rõ ràng có sự thay đổi trong chiến thuật. Khi anh hiệu quả ở cuối sân thì việc tràn lưới chỉ là theo tình huống. Cả trận, Federer chỉ lên lưới sáu lần thành công, và hầu hết là khi anh đã dồn ép Djokovic tới mức chỉ còn đủ khả năng cứu bóng chứ ít cơ hội phản công. Chỉ có 9 lần Federer lên lưới (6 lần ghi điểm), ngang bằng với Djokovic.

Cần biết rằng khi họ gặp nhau ở Wimbledon, trận đấu có 4 set (và cũng gấp đôi số game 43 - 21) mà Federer đã lên lưới tới 54 lần. Rõ ràng, lên lưới là phù hợp với những tay vợt không còn thời đỉnh cao, nhưng trong thời điểm mà mọi phẩm chất đều quay trở lại như xưa với Federer, thì chơi ở cuối sân vẫn là chiến thuật thống trị của tennis hiện đại (như chúng ta đã thấy suốt mười năm qua từ Nadal).

Lý do Federer không tự mình tiết lộ chiến thuật, như anh nói là họ có thể gặp lại nhau. Ngay cả khi Federer nói như một sự bông đùa, thì khả năng ấy cũng có thể trở thành thật. Djokovic có thể thua Federer nhưng cái cách anh đánh bại Nishikori ở lượt trận 1 với tỉ số 6-1 6-1 thật đáng nể.  

Liệu thế giới tennis trung lập có chờ đợi một trận tái đấu như thế? Còn đó một Nadal là biểu tượng của ý chí mang lại thành công, một Murray của chủ nhà, nhưng Federer và Djokovic mới là sự gặp nhau của sự vĩ đại trong khuôn khổ ATP World Tour Finals.

Họ sẽ gặp lại nhau để xem ai vĩ đại hơn ai ở World Tour Finals?

Nếu sau này, việc lấy tên các tay vợt để đặt tên bảng trở thành truyền thống của giải Tám cây vợt xuất sắc cuối năm (thay cho tên gọi theo màu sắc), ắt có ngày người ta sẽ có bảng đấu Federer và Djokovic.

Nếu Federer đã có sáu lần vô địch (kỷ lục) thì Djokovic cũng có bốn lần  và có thể thiết lập một kỷ lúc khác là bốn lần liên tiếp đăng quang nếu như thắng giải năm nay.

Cho tới lúc này, hai tay vợt mà tên của họ được chọn để làm tên của hai bảng đấu, là Stan Smith và Ilie Nastase, người quá nhỏ bé, người giỏi lắm cũng chỉ ngang bằng với kẻ hậu bối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN