Xử lý nghiêm cán bộ ngân hàng tuồn tiền mới ra ngoài

Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định xử lý nghiêm cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng tuồn tiền mới ra ngoài.

Cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng tuồn tiền mới cho các đối tượng hưởng chênh lệch sẽ bị xử lý nghiêm:

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ không thiếu tiền mặt trong dịp Tết nhưng sẽ không đưa vào lưu thông tiền mới mệnh giá nhỏ. Đồng thời, NHNN cũng tiếp tục xử lý 5 ngân hàng yếu kém. Đó là thông tin được NHNN cho biết tại cuộc họp báo tổ chức hôm qua (4/1).

Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ (NHNN) cho hay, ngay đầu tháng 12 vừa qua, NHNN đã chuyển tiền từ T.Ư về NHNN chi nhánh các tỉnh, thành. “NHNN ưu tiên chuyển đến các tỉnh được coi là “điểm nóng” về tiền mặt như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… nơi tập trung nhiều công nhân lao động, nhu cầu tiền mặt cao”, ông Thành cho biết.

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ, nhu cầu tiền mặt của cả nước trong tháng 1 này là “nóng” nhất, đặc biệt ba tuần đầu tháng được coi là cao điểm. “Mục tiêu là đảm bảo an toàn tuyệt đối và công tác chuyển tiền này sẽ hoàn thành trước ngày 20/1 (Tết ông Công, ông Táo) là cơ bản hoàn thành. Còn từ 23 tháng Chạp, những nhu cầu đột xuất của các tỉnh, thành vẫn được NHNN đáp ứng, kể cả chi tiền mặt đột biến”, ông Thành nói và khẳng định NHNN sẽ đảm bảo đầy đủ tiền mặt dịp Tết, cung ứng đủ các loại tiền cho lưu thông và nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Xử lý nghiêm cán bộ ngân hàng tuồn tiền mới ra ngoài - 1

Cán bộ NHNN sẽ bị xử lý nghiêm nếu tiếp tay  cung cấp các loại tiền mới cho đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch - Ảnh: Hoàng Hà

Về tiền lẻ, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, tiền mệnh giá nhỏ chủ yếu người dân dùng đi lễ, hội đầu xuân. Từ năm 2013, NHNN đã thực hiện chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ đưa ra lưu thông dịp Tết, góp phần nâng cao nếp sống văn minh, tiết kiệm chi phí xã hội.

Theo NHNN, năm nay chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã tiết kiệm cho ngân sách gần 400 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết kiệm cả năm qua lên gần 1.900 tỷ đồng.

Tết Nguyên đán năm nay, NHNN vẫn in tiền mới nhưng “tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên series (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh. Về vấn đề tiền mới mệnh giá nhỏ vẫn xuất hiện tại đền, chùa hay các điểm trao đổi, ông Tú cho biết, tiền lưu thông trong năm có cả tiền cũ lẫn tiền mới, do đó vẫn có thể xuất hiện các xấp tiền mới mà các đơn vị thu đổi giữ lại để dịp Tết mang ra đổi. “Riêng trong ngành, chúng tôi nghiêm cấm. Nếu phát hiện cán bộ NHNN, tổ chức tín dụng tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch thì xử lý nghiêm, công khai trên báo chí ngay”, ông Tú khẳng định.

5 ngân hàng yếu kém phải xử lý

Về vấn đề tái cơ cấu hệ thống, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh Thanh tra phụ trách NHNN cho biết, NHNN đã nhận diện toàn bộ các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như các vấn đề trọng yếu cần xử lý. Ngoài ba ngân hàng bắt buộc mua 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á, NHNN cũng cho biết thêm, một ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nữa cần phải xử lý. “Trên cơ sở đánh giá, các ngân hàng đã được cải thiện, nhất là thanh khoản, không gây đổ vỡ hệ thống, ảnh hưởng tới hệ thống”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, NHNN đã xây dựng phương án cụ thể để xử lý 5 ngân hàng yếu kém nói trên. “NHNN đã báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị để xử lý 5 ngân hàng yếu kém này. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, NHNN đã hoàn thiện phương án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước khi triển khai thực hiện vào năm 2017”, Phó chánh Thanh tra phụ trách NHNN thông tin.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, “tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là công việc rất trọng tâm năm 2016” và Thống đốc NHNN quyết liệt chỉ đạo, đánh giá đề án triển khai ngân hàng 0 đồng này. Về phương án triển khai tiếp việc xử lý nợ xấu giai đoạn tới, bà Hồng cho hay, NHNN đã đánh giá toàn diện và xin ý kiến của các bộ, ngành và chiều cùng ngày (4/1) thường trực Chính phủ cũng có cuộc họp về đề án tái cơ cấu trong giai đoạn 2016-2020. Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 30/11/2016, nợ xấu hệ thống còn 2,46%. Các ngân hàng đã tập trung trích lập dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ từ khách hàng và bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN