Vực dậy sau khi buôn cá vỡ nợ, thành tỷ phú nhờ hàng đồng giá
Trước khi trở thành chủ chuỗi siêu thị Daiso, sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 1,9 tỷ USD, ngài Yano đã từng thất bại khi quản lý cửa hàng cá của bố vợ.
Hirotake Yano sinh năm 1943, là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Daiso Sangyo. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng mô hình cửa hàng đồng giá tại Nhật. Tờ Bloomberg Billionaires Index nhận định, chính nhờ bước đi tiên phong này, hiện tại, ông đã sở hữu khối tài sản 1,9 tỷ USD.
Tỷ phú Hirotake Yano
Sau khi tốt nghiệp Đại học Chuo tại thủ đô Tokyo, Yano về quê làm rất nhiều công việc khác nhau, từ tái chế rác thải đến buôn bán điện thoại. Năm 26 tuổi, ông được cha vợ nhượng lại quyền quản lý cửa hàng cá nhưng đã sớm phá sản.
Thất bại ở Hiroshima, Yano chuyển đến Tokyo sống cùng vợ và con trai. Ông tận dụng chiếc xe tải cũ của mình làm quầy bán hàng lưu động. Để tiết kiệm thời gian gắn tem giá, ông đã thống nhất với vợ, bán toàn bộ sản phẩm trong tiệm với giá 1 USD.
Năm 1977, Yano khai trương cửa hàng đồng giá 1 USD của riêng mình, lấy tên là Daiso, tạm dịch là “kiến tạo những điều vĩ đại”. Thời điểm đó, nước Nhật đang chứng kiến sự bùng nổ của bong bóng kinh tế. Chính vì vậy, sự xuất hiện của cửa hàng đồng giá được coi như một điểm sáng, làm thay đổi hoàn toàn văn hóa tiêu dùng của dân chúng.
“Đó là thời điểm hoàn hảo để ngài Yano trở thành người tiên phong và gặt hái thành công” – Pascal Martin, thành viên công ty tư vấn chiến lược OC&C nhận định.
Từ khi cửa hàng của Yano thành lập, các chuỗi cửa hàng bán lẻ nhanh chóng nở rộ tại xứ sở hoa anh đào. Theo báo cáo tháng 3/2016 của UBS Group AG, doanh thu hàng năm của ngành bán lẻ giá rẻ tại quốc gia này khoảng 5,4 tỷ USD.
Hiện tại, Daiso là doanh nghiệp lớn nhất trong các chuỗi cửa hàng đồng giá, với hơn 3.150 cửa hàng trong nước và 1.800 cửa hàng tại nước ngoài. Hãng bán lẻ của ông Yano đạt doanh thu 3,6 tỷ USD/năm, tính đến tháng 3 năm 2017, tăng 0,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 1999.
Yano đề cao chất lượng sản phẩm khi kinh doanh
Yano cho rằng thành công của ông bắt nguồn từ sự việc lựa chọn nguồn cung sản phẩm, cho phép Daiso cung cấp những mặt hàng chất lượng tốt nhất trong mức giá 1 USD. Để làm được điều này, ông đã trực tiếp thương lượng với các hãng sản xuất để đặt hàng số lượng lớn với mức giá ưu đãi nhất. Chiến lược này cũng được áp dụng tương tự với Walmart, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh của mình, Yano cho rằng ông không chỉ hướng đến chất lượng tốt nhất cho sản phẩm của mình mà còn mong khách hàng có trải nghiệm mua sắm thú vị.
“Những thứ chúng tôi mong muốn là giá trị thương hiệu và niềm vui từ khách hàng. Chỉ với 1 USD, họ có thể được trải nghiệm dịch vụ mua sắm tốt nhất và cảm nhận được cái tâm của chúng tôi trong mỗi sản phẩm” – ngài Yano cho biết.
Trong khi nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà tăng trưởng liên tiếp trong 5 quý trở lại đây – đà tăng dài nhất trong 1 thập kỷ, người dân nước này vẫn giữ thói quen mua hàng giá rẻ, duy trì lối sống tiết kiệm.
“Người Nhật muốn tiết kiệm nhiều hơn. Họ sẽ không từ bỏ thói quen mua hàng đồng giá, thứ đã phát triển trong hơn 20 năm qua” – nhà phân tích tài chính Kousuke Narikiyo, thuộc công ty Nomura chia sẻ.