Vốn bình ổn hết hấp dẫn?

Mức lãi suất cho vay bình ổn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung nhưng các doanh nghiệp lại ít mặn mà tham gia.

Ngày 27-12, tại cuộc họp của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP về hoạt động cung ứng dịch vụ tín dụng trong dịp Tết 2017, nhiều đại biểu đã thắc mắc xung quanh việc vì sao các doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà vay vốn bình ổn mà TP đã triển khai thời gian qua.

“Ế” vốn bình ổn

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP, trong năm 2016, chương trình kết nối NH và DN trên địa bàn đã thực hiện cam kết cho 21.457 khách hàng vay vốn với tổng hạn mức 264.862 tỉ đồng. Trong khi đó, chương trình cho vay bình ổn thị trường, các NH thương mại cung ứng hạn mức tín dụng 12.900 tỉ đồng. Nhưng đến cuối tháng 11, doanh số cho vay từ đầu chương trình mới đạt 1.430 tỉ đồng và dư nợ hiện còn khoảng 785 tỉ đồng với 13 DN.

Đáng chú ý, mức lãi suất cho vay ngắn hạn trong chương trình kết nối NH - DN chỉ dao động từ 6%-6,5%/năm, lãi suất cho vay trung - dài hạn từ 9%-9,5%/năm, còn lãi suất cho vay bình ổn ngắn hạn chỉ khoảng 4%-4,5%/năm và trung - dài hạn từ 5%-5,5%/năm. Mức lãi suất này, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP, là khá hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường. Nhưng tại cuộc họp, các đại biểu HĐND TP đã đặt vấn đề vì sao dư nợ cho vay bình ổn không cao như kỳ vọng trong khi thực tế thời điểm này, nhu cầu vay vốn của các DN là rất lớn cho việc dự trữ hàng Tết, sản xuất hàng bình ổn để bán ra thị trường dịp cuối năm. Có hay không tình trạng DN đăng ký nhiều nhưng không được vay?

Vốn bình ổn hết hấp dẫn? - 1

Chương trình cho vay vốn bình ổn năm 2016 của TP HCM không đạt như kỳ vọng Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Nguyễn Hoàng Minh giải thích: Thực tế, các NH thương mại luôn sẵn sàng nguồn vốn để cho vay bình ổn vì các DN vay bình ổn thường có tài chính lành mạnh và vòng quay vốn nhanh nên trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng muốn vay vốn bình ổn. Một số DN có vốn đủ quay vòng sẽ không cần đến vốn vay NH vì dù lãi suất thấp nhưng vẫn bị đội chi phí vốn, giá thành sản xuất, ngay cả vay ngoại tệ cũng phải tính toán rủi ro tỉ giá…; đồng thời, trong tổng số 12.900 tỉ đồng hạn mức cho vay bình ổn của các NH trên địa bàn, có 40% là vốn vay ngắn hạn và khoảng 60% vốn DN đăng ký vay trung - dài hạn. “Vốn trung - dài hạn dùng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới máy móc, thiết bị nên các DN mới đang làm thủ tục và sẽ giải ngân vào đầu năm 2017” - ông Minh thông tin.

Dưới góc độ DN bán hàng bình ổn thị trường, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, tổng giám đốc một DN trong lĩnh vực thực phẩm cho biết đúng là lãi suất cho vay bình ổn có thấp hơn mặt bằng chung nhưng nói “hấp dẫn” hơn thì chưa hẳn. Hiện DN ông đang có quan hệ tín dụng lâu năm với một NH thương mại quốc doanh nên chưa có ý định chuyển sang NH khác để vay vốn mới làm hàng bình ổn. Ông nói: “Mức lãi suất cho vay ngắn hạn mà NH đưa ra cho chúng tôi là chấp nhận được, nếu chuyển sang NH khác phải làm hồ sơ vay mới với thủ tục phức tạp và tốn kém thời gian; thực tế là chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời chào từ các NH thương mại xin cho vay vốn làm hàng bình ổn nhưng đều từ chối”.

Tuyệt đối không để ATM hết tiền

Cũng tại cuộc họp, một nội dung được các đại biểu quan tâm là các giải pháp phòng tránh nghẽn ATM dịp Tết. Các đại biểu yêu cầu ngành NH trên địa bàn TP cần tập trung giải pháp phòng chống nghẽn ATM, máy ATM hết tiền vào dịp Tết, nhất là ở các khu vực đông dân cư, KCX-KCN có nhiều công nhân rút tiền vào những ngày cao điểm như chi lương, thưởng…

Đại diện NHNN Chi nhánh TP cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, có biện pháp hạn chế và xử lý kịp thời các sự cố có thể phát sinh. Trên địa bàn TP đang có hơn 4.200 máy ATM đang hoạt động và 36.500 máy cà thẻ (POS).

Các NH thương mại cũng được yêu cầu lập kế hoạch nhu cầu tiền mặt dịp Tết Đinh Dậu 2017, có kế hoạch đáp ứng đầy đủ tiền mặt cho khách hàng, tăng cường chi các loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông và tuyệt đối không để máy ATM ngưng hoạt động do thiếu tiền. NHNN sẽ bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, cả về tổng lượng và cơ cấu để phục vụ nhu cầu thanh toán thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, từ khoảng năm 2014 trở về trước, dịp Tết trước các máy ATM ở những nơi đông dân cư, KCX-KCN có xảy ra tình trạng hết tiền, tắc nghẽn và khách hàng phải xếp hàng chờ rút tiền. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, tình hình này đã cải thiện rất nhiều khi các NH chủ động và có giải pháp ứng phó, tiếp quỹ kịp thời để hạn chế tối đa sự cố xảy ra với máy ATM. Đặc biệt, một số NH thương mại còn cung cấp dịch vụ ATM lưu động tới các KCX-KCN có đông công nhân chờ rút tiền dịp Tết.

Trực tiếp chi tiền thưởng tại doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết năm nay, một số NH thương mại sẽ xuống DN chi tiền mặt trực tiếp cho DN trong 2 ngày 27 và 28 tháng chạp để tránh tình trạng quá tải. “Tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu chi lương, thưởng của DN, các NH thương mại sẽ linh động cử nhân viên xuống chi tiền mặt trực tiếp trong 2 ngày cao điểm giáp Tết” - ông Minh thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN