Vợ chồng trẻ lập nghiệp từ vốn vay

Sự kiện: Kinh Doanh

Với số vốn vay 30 - 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội (NH CSXH), đã có hàng trăm cặp vợ chồng trẻ tại Thái Nguyên xây dựng tổ ấm thành công. Chương trình vay vốn dành cho đối tượng chính sách đã góp phần “thay da đổi thịt” bộ mặt nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều huyện, xã khó khăn.

Viên gạch đầu tiên thoát nghèo

Là một trong những xã trung du, miền núi của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), đường vào xã Khe Mo uốn lượn bên trong những đồi chè, rừng keo ngút ngàn. Đúng 8h sáng, tại nhà văn hoá của UBND xã Khe Mo, tấp nập bà con đến nộp lãi, giải ngân vốn vay của NH CSXH. Ba nhân viên NH với máy tính xách tay, máy in, thùng to thùng nhỏ đựng sổ vay vốn, chứng từ giao dịch.

Vừa làm xong thủ tục nộp tiền lãi, anh Nguyễn Văn Thái (thôn Làng Cháy, xã Khe Mo) tất tả lấy xe máy về để kịp buổi hái chè sáng. Gia đình khó khăn, sau khi lấy vợ, bố mẹ anh Thái cho 2 vợ chồng gần 1 mẫu đất đồi để trồng trọt. Dù ấp ủ mong muốn canh tác vườn chè nhưng cần khoản tiền lớn để san mặt bằng, mua giống…

“Gia đình nội ngoại ai cũng khó khăn, đi vay tiền ở đâu cũng đòi tài sản thế chấp mà hai vợ chồng mới cưới chẳng có tài sản gì đáng giá. Nhìn mảnh vườn bố mẹ cho cũng đành chịu. Về sau được sự bảo lãnh của Đoàn thanh niên, vợ chồng tôi vay 50 triệu đồng từ NH CSXH về san đất, mua giống chè, đào giếng nước, mua máy bơm tưới nước cho chè”, anh Thái kể.

Vợ chồng trẻ lập nghiệp từ vốn vay - 1

Máy sao chè, hút chân không từ nguồn vốn vay của NH CSXH.

Với số tiền vay 50 triệu đồng đầu tư, sau 2 năm, vợ chồng anh Thái đã có 1 mẫu chè thu hoạch, với thu nhập gần 20 triệu đồng mỗi năm. Đồi chè đã giúp vợ chồng anh dư sức trả số nợ NH CSXH. Thời hạn còn tới 3 năm sau mới phải trả nợ, vợ chồng anh Thái tiếp tục dùng số vốn này mở rộng chăn nuôi gà vịt, cải tạo đất đồi để trồng cây ăn quả.

“Nhờ vốn vay mà vợ chồng tôi thoát cảnh hai bàn tay trắng, có chút tài sản ban đầu cho riêng mình. Nếu không có số vốn vay này, chắc vợ chồng lại đi làm thuê, mướn kiếm sống chứ không dám mơ đến cả mẫu chè cho nguồn thu ổn định như hôm nay”, anh Thái cho biết.

Theo anh Đoàn Văn Tới, Bí thư Đoàn xã Khe Mo, tổng số vốn vay của đoàn viên trong xã hơn 2,9 tỷ đồng. Đoàn viên vay vốn chủ yếu gia đình khó khăn, vừa lập gia đình nhưng không có việc làm. Hơn nữa, nhóm đối tượng này rất khó tiếp cận các chương trình vốn vay vì không có tài sản thế chấp.

“Số vốn vay cho mỗi đoàn viên không lớn nhưng rất ý nghĩa. Đây là số vốn mồi, tạo điều kiện cho họ tự tin đầu tư phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, thoát cảnh tha hương kiếm việc làm qua ngày”- anh Tới cho biết.

Tạo việc làm cho người dân vùng chè

Thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), đường vào thị xã bao quanh bởi những nương chè đương mùa thu hoạch. Người dân tấp nập hái chè, người chở chè về các lò sao, sấy chè. Với diện tích hàng nghìn héc ta chè, thị trấn Sông Cầu không chỉ tạo việc làm cho người dân tại địa phương mà còn tạo việc làm, trở thành “nam châm” thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi từ các địa phương xung quanh.

Tại gia đình anh Hoàng Xuân Thủy, một trong những hộ gia đình trồng chè hiệu quả nhất tại đây, trung bình mỗi ngày gia đình anh hái, sao, sấy hơn 1 tạ chè khô. Gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm thu hoạch chè rộ, mỗi ngày gia đình anh thuê thêm hơn chục nhân công hái chè với mức lương 14.000 đồng/giờ.

Vừa chỉ vào máy sao chè, hút chân không, anh Thủy cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của NHCS XH, tôi mua máy sao chè, hút chân không để chất lượng và bảo quản chè tốt hơn. Có máy hỗ trợ, gia đình cũng yên tâm thuê lao động thu hái chè, tăng diện tích và sản lượng trồng chè”.

Theo ông Ngô Trí Long, tổ trưởng vay vốn số 5 (thị trấn Sông Cầu), nguồn vốn vay từ NHCSXH phù hợp với người dân trồng chè. Bởi từ khi đầu tư đến thu hoạch chè phải mất 3 năm. Nếu vay vốn từ nguồn khác, thời hạn trả nợ sớm, người dân chưa có nguồn thu để trả nợ. Người dân yên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng chè giúp thị trấn Sông Cầu trở thành “nam châm” hút lao động từ nơi khác. Vào lứa hái chè, người dân vùng xung quanh tập trung về đây rất đông. Họ tranh thủ lúc nông nhàn đến hái chè kiếm thêm thu nhập. Lao động chủ  yếu là phụ nữ trung tuổi, ít có điều kiện làm công nhân trong các nhà máy.

Theo thống kê của NHCSXH huyện Đồng Hỷ, hiện dư nợ toàn xã Khe Mo trên 17 tỷ đồng. Trong đó chương trình cho vay với đối tượng hộ nghèo trên 3 tỷ đồng; vốn vay giải quyết việc làm đạt 5 tỷ đồng… Nguồn vốn vay được thông qua các tổ chức hội như Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN