Vì sao hơn 1.200 tỷ đồng 'đắp chiếu'?
Sau gần 6 năm kể từ khi UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư xây dựng khu đô thị trung tâm Tây Hồ Tây đến nay, khu vực này vẫn là bãi đất hoang đan xen với những ruộng rau muống và cỏ dại. Nhiều người dân chưa nhận được tiền đền bù, chủ đầu tư đỏ mắt chờ đất sạch...
Còn 26 ha đất xen kẹt
Chúng tôi trở lại khu đất mà TP Hà Nội giao cho chủ đầu tư là Cty TNHH T.H.T từ năm 2007. Sau gần 6 năm triển khai, ngoài một con đường mới xây dựng và tấm biển phối cảnh dự án trơ trọi thì tại đây chỉ một màu cỏ dại. Lác đác trên những khu ruộng bỏ hoang, một số người dân thấy tiếc của nên đã mang rau màu ra trồng cấy.
Lễ động thổ dự án vào tháng 11/2012 khá hoành tráng nay chỉ còn lại dấu ấn là một bãi đất san phẳng và một tấm biển giới thiệu phối cảnh dự án.
Cty TNHH T.H.T cho biết, tính đến nay đã chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội (thuộc Ban Chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội) số tiền lên tới 1.258,5 tỷ đồng (tương đương 65 triệu USD).
Trong đó, 1.234 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho 1.096 hộ gia đình, cá nhân và 24,5 tỷ đồng tiền kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án.
Mặc dù Cty T.H.T đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một lô đất sạch nào để thi công do vẫn tồn tại tới 26,1ha diện tích đất xen kẹt, “xôi đỗ” rải rác trong 91,2 ha đã hoàn thành GPMB...
Nơi làm lễ động thổ dự án tháng 11/2012 nay vẫn là bãi đất hoang .
Hậu quả từ việc quản lý đất đai yếu kém
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, việc GPMB kéo quá dài do gặp phải quá nhiều vướng mắc từ sự điều chỉnh chính sách, hậu quả từ việc quản lý đất đai yếu kém cả chục năm trước.
Ngay sau khi TP ra quyết định thu hồi đất vào tháng 12/2007, Trung tâm đã phối hợp với UBND huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Sở Tài nguyên Môi trường triển khai đồng loạt công tác GPMB.
Tuy nhiên ngay sau đó chính sách đền bù hỗ trợ khi thu hồi đất có nhiều thay đổi lớn, mức hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại Hà Nội được nâng lên gấp 5 lần so với quy định cũ, dẫn đến mức đầu tư vào dự án cũng bị thay đổi lớn.
Cũng theo Trung tâm Phát triển quỹ đất, từ phía chủ đầu tư cũng có sự thay đổi trong cơ cấu nội bộ, từ 5 tập đoàn của Hàn Quốc góp vốn thực hiện dự án nay 4 nhà đầu tư đã chuyển nhượng lại vốn và quyền lợi cho Tập đoàn Daewoo.
Riêng trong năm 2010 và 2011, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp UBND huyện Từ Liêm và các xã có liên quan thực hiện được phần lớn khối lượng GPMB cho giai đoạn 1 của dự án. Đã bàn giao đất 5 lần cho nhà đầu tư.
Tiến độ GPMB ngày càng vướng mắc khi phát sinh các vấn đề liên quan đến đền bù đất được giao theo Nghị định 64 nên phải chờ TP Hà Nội có sự thống nhất với Bộ TNMT phương án xử lý. Với 14 trường hợp đã phê duyệt phương án GPMB nhưng chưa chấp thuận, Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp hành chính sau ngày 10/10 tới.
“Trung tâm là đơn vị thực hiện các quy định của cơ quan chức năng và chỉ là một thành viên trong Hội đồng GPMB. Nhưng về chủ quan, chúng tôi thừa nhận do phức tạp về chính sách đất đai nên đã có lúc Trung tâm tham mưu chưa kịp thời để xử lý các vướng mắc”, đại diện lãnh đạo Trung tâm nói.
Trung tâm Phát triển quỹ đất khẳng định, từ nay đến hết tháng 11/2013 những vướng mắc trong GPMB tại khu trung tâm Tây Hồ Tây sẽ được giải quyết để kịp thời bàn giao toàn bộ đất sạch của giai đoạn I cho nhà đầu tư. Ngoài ra, quỹ đất để xây dựng nhà tái định cư cũng sớm được bàn giao kịp thời. Dự án khu đô thị trung tâm Tây Hồ Tây có tổng diện tích 207,6 ha thuộc địa giới hành chính phường Xuân La (Tây Hồ), các xã Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế (Từ Liêm) và phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 2,5 tỷ USD. |