Tỷ lệ lao động có trình độ đại học thất nghiệp đã giảm mạnh
Quý 1/2017, cả nước có trên 1 triệu người thất nghiệp. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên là 138.800 người, giảm 80.000 người so với quý 4/2016.
Đó là một tín hiệu tích cực của thị trường lao động mà Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 1/2017 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố chiều 9/6.
Tỷ lệ lao động có trình độ đại học thất nghiệp đã giảm mạnh ở quý 1/2017.
Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, quý 1/2017, cả nước có 1.101.700 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 8.300 người so với quý trước đó, tuy nhiên vẫn tăng 29.500 người so với quý cùng kỳ năm 2016.
So với quý 4/ 2016, số người có việc làm tăng mạnh ở một số ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 213.000 người; giáo dục, đào tạo và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô đều tăng 104.000 người…
Đáng chú ý, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 138.800 người, giảm 80.000 người so với quý 4/2016. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 2,79%, giảm mạnh so với mức 4,43% của quý trước đó.
Bên cạnh đó, có 104.200 lao động thất nghiệp thuộc nhóm có trình độ cao đẳng, giảm 20.600 người so với quý trước và 83.200 người có trình độ trung cấp thất nghiệp, tăng 13.000 người.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong quý 1/2017 ở mức 7,29%, tăng cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái (6,63% trong quý 1/2016).
Cũng theo Bản tin, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng khá cao. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,4 triệu đồng, tăng 323.000 đồng so với quý trước và tăng 318.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
So với quý 4/2016, thu nhập cao nhất vẫn thuộc về nhóm có trình độ đại học và trên đại học. Tuy nhiên, thu nhập của nhóm lao động có trình độ sơ cấp lại cao hơn so với nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng.