Trung Quốc vung tiền khắp thế giới
Trung Quốc đang ráo riết chi hàng trăm tỉ USD cho hàng loạt thương vụ ở nước ngoài với quy mô không khỏi gây quan ngại.
Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã mua khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở TP New York với giá 1,95 tỉ USD năm 2015 Ảnh: AP
Một nghiên cứu công bố hôm 16-5 của tổ chức Asia Society và Công ty Rosen Consulting Group (đều ở Mỹ), cho thấy người Trung Quốc đang tăng tốc mua nhà ở và bất động sản thương mại ở Mỹ. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng số tiền người Trung Quốc bỏ ra lên đến 110 tỉ USD.
Các nhà nghiên cứu cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do không xác định được các giao dịch qua những công ty bình phong cũng như các quỹ đầu tư mờ ám.
Cùng ngày, Ngân hàng ICBC Standard (Trung Quốc) thông báo đang tiến hành mua hầm chứa kim loại quý khổng lồ ở thủ đô London - Anh của Ngân hàng Barclays. Căn hầm nói trên thuộc loại lớn nhất châu Âu, nằm tại một địa điểm bí mật ở London và có thể cất trữ 2.000 tấn vàng cùng các kim loại quý khác. Nó chứa được số vàng trị giá lên tới 90 tỉ USD theo thời giá hiện tại. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào tháng 7 nói trên được tiết lộ chưa đầy 1 tuần sau khi ICBC Standard tham gia hệ thống thanh toán bù trừ kim loại quý tại London.
[Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã mua khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở TP New York với giá 1,95 tỉ USD năm 2015 Ảnh: AP]Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã mua khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở TP New York với giá 1,95 tỉ USD năm 2015 Ảnh: AP
Động thái trên giúp ICBC Standard - được thành lập năm ngoái sau khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) mua cổ phần kiểm soát Ngân hàng Standard Bank (Nam Phi) - trở thành ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc sở hữu một hầm chứa vàng ở London. Điều đó không chỉ giúp nó tiến gần thị trường bán buôn vàng không qua sàn giao dịch (OTC) lớn nhất thế giới (về khối lượng giao dịch) mà còn dễ dàng tiếp cận khách hàng phương Tây hơn.
“Một số người, đặc biệt là khách hàng phương Tây, muốn cất vàng ở London hơn là giao vào các kho ở Trung Quốc” - ông Mark O’Byrne, Giám đốc Công ty GoldCore (Ireland), nhận định.
Trong khi đó, dự án tuyến đường sắt lớn nhất châu Phi trị giá 13,8 tỉ USD do Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tiến hành tại Kenya cũng đang hoàn thiện giai đoạn đầu tiên, tức kết nối cảng Mombasa của Kenya ở Ấn Độ Dương với thủ đô Nairobi. Đây được xem là dự án tham vọng nhất tại Kenya kể từ khi quốc gia Đông Phi này giành độc lập năm 1963.
Tuy nhiên, dự án vẫn chưa hết gây tranh cãi vì nó chạy qua khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã của Kenya. Ngoài ra, hàng tỉ USD cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc vung ra nhằm thâu tóm cảng biển trên khắp thế giới, từ cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp cho đến các cảng quan trọng ở Algeria, Úc, Canada, Pakistan…