Trục lợi qua "vỏ bọc" cổ phần hóa

Sự kiện: Kinh Doanh

Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất tốt nhưng cũng còn nhiều kẽ hở dễ bị trục lợi, bán rẻ tài sản của nhà nước vào tay tư nhân

Không thể phủ nhận cổ phần hóa (CPH) đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất - kinh doanh ở đa số doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhưng song hành với kết quả đó là những "phiên bản lỗi", không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn dẫn đến sự lụn bại của nhiều thương hiệu và đẩy hàng vạn lao động vào khó khăn.

Bán doanh nghiệp với giá "bèo"

Bỏ qua các con số đẹp mang lại thành tích cho quá trình CPH như số lượng DN đã CPH đạt 96,5% kế hoạch đề ra, quy mô vốn tăng gấp nhiều lần… Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng muốn đánh giá thực chất công tác CPH phải nhìn vào con số mới chỉ có 8% vốn được bán cho khu vực tư nhân (kết quả CPH tính đến giữa năm 2017, khi chưa có các thương vụ bán vốn Vinamilk, Sabeco).

Trục lợi qua "vỏ bọc" cổ phần hóa - 1

Cảng Quy Nhơn bị bán với giá rẻ đang bị cơ quan chức năng thanh tra Ảnh: PHƯƠNG QUANG

Kết quả CPH đạt được không cao bởi nguồn lực vẫn thuộc sở hữu nhà nước và các chủ DN tư nhân còn đứng ngoài cơ cấu quản lý DN CPH. Ông Trần Đình Thiên thẳng thắn nêu quan điểm: "Sự sôi động của CPH thời gian qua thực chất chỉ là nhờ vào các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản nhà nước được bán ra do cách thức và quy trình CPH, đặc biệt là quy trình cung cấp thông tin định giá lỏng lẻo có chủ đích để các nhà đầu tư ít tham gia. Thêm nữa, các thị trường nguồn lực đầu vào như đất đai, lao động, tài sản DN rất chậm chuyển sang hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường khiến cho quá trình CPH bị các cá nhân am hiểu kinh tế thị trường lợi dụng và trục lợi".

Các chuyên gia kinh tế nhận định những cách trục lợi phổ biến nhất là lợi dụng lỗ hổng của các quy định về quản lý, sử dụng đất và tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược không rõ ràng, đấu giá không minh bạch. Hơn 20 năm thực hiện CPH DNNN, khúc mắc lớn nhất luôn là xác định giá trị đất đai.

Theo GS Đặng Hùng Võ, hành lang pháp lý về CPH DNNN cứ khoảng 1 năm rưỡi lại có một nghị định mới được ban hành, sửa đổi, lúc quy định tính giá trị DN phải bao gồm cả giá trị đất, lúc lại không đưa vào. Hàng loạt DNNN được giao quản lý đất vàng đã trở thành đích ngắm của các đại gia mà điển hình là việc bỏ ra 33 tỉ đồng để mua lại Hãng phim Truyện Việt Nam có 1,4 ha đất vàng của công ty vận tải thủy. Hoặc mới đây, UBND tỉnh Bình Định phải đề nghị Chính phủ "cứu" cảng Quy Nhơn khi chỉ sau hơn 2 năm về tay nhà đầu tư chiến lược là Công ty Hợp Thành, DN cảng loại 1 này làm ăn ngày càng sa sút.

Bài học tôn trọng nguyên tắc thị trường

Để bịt kẽ hở thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình CPH, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59 với 2 điểm mấu chốt là quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm quyết định CPH. Đưa giá trị đất (đất thuê và đất giao) vào giá trị DN, trong đó gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất...

Nghị định trên cũng siết tiêu chí nhà đầu tư chiến lược với yêu cầu phải có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực tài chính, có văn bản cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm, không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm và phải có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực… và phải bồi thường nếu vi phạm cam kết.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, để CPH DNNN thành công, một trong những yếu tố tiên quyết là phải tư duy theo hướng thị trường. Một số DN chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Điều này làm thất thoát vốn của nhà nước và không bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường trong quá trình CPH.

Hiện nay, tư duy trong CPH nói chung và trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nói riêng vẫn thiên về quản lý nhà nước. Cần phải có tư duy thị trường, có nghĩa là tư duy này phải tiếp cận theo cách nhìn của một nhà đầu tư hơn là một cơ quan quản lý hành chính của nhà nước. Tư duy thiếu thị trường chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chưa thành công trong việc khắc phục cuộc khủng khoảng DNNN. 

Doanh nghiệp lách luật

GS Đặng Hùng Võ cho rằng do chính sách không nhất quán, có thời điểm thừa nhận đất thuê trả tiền hằng năm không đưa vào giá trị CPH, không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan đến địa điểm vào giá trị thuê đất đã tạo kẽ hở lớn để nhiều DN lách luật. Khi CPH, nhiều DN chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, kéo giảm giá trị, dễ thành công trong chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Trong trường hợp DN được giao quyền sử dụng đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá "bèo" vì giá đất tính theo khung giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định, không sát giá thị trường.

Ý KIẾN

PGS-TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM):

Công khai, minh bạch trong đấu giá

Việc thất thoát tài sản, bán rẻ quyền sử dụng đất ở các DNNN nếu xảy ra chủ yếu dựa trên 2 vấn đề: Xác định giá trị DN và công khai, minh bạch khi đấu giá.

Về xác định giá trị DN, phải bám sát giá thị trường. Quyền sử dụng đất được áp dụng theo quy định hiện hành (theo khung giá của UBND địa phương) chưa thực sự sát giá. Các DN có thể lợi dụng điều này để bán tài sản mà chủ yếu là đất, các tài sản liên quan đến đất với giá rẻ. Và việc bán tài sản nhà nước bắt buộc phải qua đấu giá công khai, ai đấu giá cao sẽ trúng. Trước năm 2009 chưa có quy định nên đã có trường hợp bán rẻ, thậm chí còn không tính đến quyền sử dụng đất để định giá cổ phần. Lúc này luật không quy định nên cũng không truy trách nhiệm được.

Ngoài ra, việc đấu giá cần phải công khai rộng rãi hơn qua các phương tiện truyền thông chứ không chỉ qua một tờ báo theo quy định, mà có nhiều khi chỉ đăng cho có, đối phó với quy định chứ không cần nhiều người đọc.

Hiện nay cũng có quy định về công bố thông tin nhưng các DN cần rõ ràng hơn, cụ thể là về các báo cáo kiểm toán, tình hình sản xuất - kinh doanh, tài sản đất đai…

Ông Huỳnh Anh Tuấn,

Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC:

Dễ bị mua chuộc

Điều đáng chú ý là ngoài việc làm đúng quy định thì bản thân DN đang CPH làm ăn thua lỗ, không có hướng tốt nên bảng cân đối tài sản không có tiềm năng. Đơn vị nào đó nhìn thấy được tiềm năng của DN nên họ đã mua và tìm cách để nâng giá trị tài sản. Cụ thể là từ bất động sản thuê lâu năm, sau khi mua CPH, mua dự án xong thì "chạy" để tài sản đó thành dự án có giá trị. Tài sản này có sau khi mua chứ không phải của DN từ trước. Điều này cho thấy bản thân các công ty định giá cũng cần phải hiểu được bản chất của tài sản để khi tư vấn chỉ ra được tiềm năng, để các nhà đầu tư buộc phải mua giá cao nếu quan tâm.

Hiện nay có công ty chứng khoán "bao thầu" cả chức năng tư vấn CPH và định giá. Một đơn vị có cả 2 chức năng này nếu họ không minh bạch thì sẽ bất ổn. Khi viết phương án CPH, đánh giá tiềm năng sẽ nâng giá trị lên, để nhà đầu tư quan tâm hơn. Nhưng nếu có cả chức năng định giá thì họ dễ bị mua chuộc, lờ đi những điểm sáng để khiến những người quan tâm không tìm thấy được tiềm năng và không đầu tư. Chưa kể là thông tin chưa công khai rõ ở nhiều kênh.

Tôi nghĩ nhà nước cần phải có một cơ quan phụ trách, làm sao đưa tất cả công ty cần CPH lên một kênh để các nhà đầu tư "soi" rõ, giảm việc các đơn vị tư vấn dùng kỹ thuật để làm sai, nhà đầu tư không nắm được.

SƠN NHUNG ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN