Tránh để gói vay “rót” vào nhóm lợi ích

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều chuyên gia kinh tế và cả doanh nghiệp (DN) “trong cuộc” đều lên tiếng, ngân hàng cần thận trọng khi xem xét, không để gói vay “rót” nhầm chỗ, thành ưu đãi nhóm lợi ích.

Lo ngại vốn ưu đãi thành nợ xấu

Trò chuyện với PV Tiền Phong về câu chuyện gói 100 ngàn tỷ đồng, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Pacific - một doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cho rằng, trong 5 năm tới, không có cách gì để đất nước có thể tiêu thụ hết ngay 5 tỷ USD vào nông nghiệp.

Theo ông Hưng, chi phí làm NNCNC thực sự không quá tốn kém nếu DN làm bài bản và chặt chẽ. Đơn cử, như PAN Pacific, đến nay tổng đầu tư mới khoảng 200 tỷ đồng. “Chúng tôi làm gạo sạch, nuôi cá sạch, trồng hoa sạch...Như 15 ha hoa nhà kính của Pan Farm làm theo tiêu chuẩn công nghệ của Nhật và xuất sang nước này (thuê 7-8 chuyên gia Nhật đồng thời có hệ thống giám sát từ nước bạn) cũng chỉ bỏ vốn hết 330.000 đồng/m2 nhà kính”- ông Hưng cho biết.

Chia sẻ về cách làm NNCNC hiện nay, ông Hưng nói: “Tôi thật sự lo ngại cho phong trào NNCNC hiện nay, khi cứ nghĩ rằng, chỉ cần có tiền là có tất cả. Cái chúng ta cần là thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực. Nếu làm NNCNC với suy nghĩ có vốn ưu đãi là sẽ thành công thì e rằng 5 năm tới nợ xấu sẽ chính là đây”.

Tránh để gói vay “rót” vào nhóm lợi ích - 1

Tiền cần rót đúng chỗ, đúng đối tượng, đó là điều nhiều DN NNCNC làm ăn chân chính quan tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung, Phó Chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) –đơn vị đề xuất gói tín dụng này lên Chính phủ cũng cho rằng, gói 100 nghìn tỷ phải tập trung để “tiếp sức” đúng đối tượng. 

Tại miền Trung, dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp công nghệ cao khoảng 100 ha về tôm và một tổ hợp NNCNC tại Bình Thuận với diện tích khoảng 2.000 ha đang được khởi động. Đây giống như một khu công nghiệp, sẽ thu hút nhiều DN tâm huyết tham gia đầu tư vào những cây, con có lợi thế, được trồng, chế biến…áp dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh, bản thân ông và nhiều thành viên trong CLB DAA rất lo ngại về khả năng gói tín dụng 100 nghìn tỷ này sẽ gặp vấn đề. Ông nói: “Nhiều đại gia không rót vốn vào bất động sản nữa, mà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, thì e rằng, gói tín dụng này sẽ đi lệch hướng và sẽ có lợi ích nhóm trong đó”.

“Nhiều đại gia họ nghe thấy gói 100 nghìn tỷ đó, liền xắm xía vào gói này. Chỗ nào cũng làm nông nghiệp, nhưng cuối cùng là để lấy đất. Do vậy, không khéo là gói này bị đầu cơ, rất nguy hiểm. Chúng tôi lo rằng, đó không phải là mục đích, nên sẽ đi lệch hướng”- ông Hoàng Anh phân tích.

Vị đại diện của CLB DAA cho hay, có dấu hiệu lợi ích nhóm đang chen vào gói tín dụng này. Theo ông, chủ trương của Chính phủ là đúng, nhưng cách tổ chức triển khai, giám sát, cần tỉnh táo đi đúng hướng, nếu không, chính sách này sẽ bị phân tán, cuối cùng hiệu quả không cao, từ đó sẽ ảnh hưởng uy tín của Chính phủ.

Cần cơ chế kiểm soát móc ngoặc

TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, bản chất của gói vay, là nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất, khi ngân hàng thương mại cho DN vay thấp hơn lãi suất thông thường 05-1,5% như chỉ đạo của Chính phủ.

“Quan trọng là ngân hàng và DN phải “chốt” với nhau được, đó là dự án ưu đãi. Tuy nhiên, ngân hàng phải đánh giá dự án đó có hiệu quả hay không, có đủ trả lãi, gốc và an toàn vốn vay hay không. Còn DN cũng bỏ vốn đối ứng chứ không phải vay 100%, họ phải xác định vay làm gì, bỏ tiền vào đâu, nên cũng phải suy nghĩ để lập dự án kinh doanh”- TS Vinh nói.

“Còn hỏi có bao nhiêu DN nói thật, làm thật vào nông nghiệp công nghệ cao? Có lẽ cũng không có nhiều, vì nông nghiệp là một ngành rủi ro cao. Sẽ có những trường hợp lập dự án để vay tiền, ăn chênh lệch lãi suất, việc này đã từng xảy ra. Do vậy, nếu điều trên lặp lại,  gói này sẽ tác động nền kinh tế chậm và không nhiều” - ông Vinh nói.

Theo chuyên gia của CIEM, việc nhiều địa phương làm NNCNC, là thực tế, chính đáng, vì họ cũng muốn có thành tích, tăng trưởng GDP, tăng thu nhập cho người dân. “Nhưng làm thế nào để quá trình đó diễn ra một cách hiệu quả, đó là vấn đề khác, cần sự cẩn trọng, cần cái đầu lạnh, đừng sôi nổi quá, chạy theo phong trào nhiều quá”- ông Vinh phân tích.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khi trao đổi với PV Tiền Phong cũng nói rằng, gói 100 nghìn tỷ ưu đãi về lãi suất cũng chỉ là một cách, chưa đi vào bản chất của vấn đề. 

“Để nguồn vốn đó đến đúng người, đúng việc, cần tăng giám sát, trách nhiệm của người thực thi về chính sách đó… Nếu không, người cần được hỗ trợ không nhiều, và phần lớn trở thành dòng sữa ngọt cho những nhóm lợi ích trong khu vực này”- ông Thành nói.

“Ở đây là cơ chế, hình thành quỹ đầu tư đặc biệt, để nhà đầu tư mạo hiểm nhảy vào…Cần thận trọng, nếu không lại giống như trước đây, gói hỗ trợ sản xuất, lại tạo ra làn sóng đầu tư vào bất động sản. Còn gói này, không khéo lại vào bất động sản nông nghiệp, mua đất chờ tăng giá đất để bán thì nguy hiểm”- ông Thành cảnh báo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN khẳng định về bản chất đây là gói vay thương mại và các ngân hàng sẽ phải xét trên các nguyên tắc thị trường, tất nhiên có sự ưu đãi về lãi suất thấp hơn các chương trình vay khác. Trước sự quan ngại của dư luận về việc có thể “bùng” lên phong trào DN chạy đua gắn mác công nghệ cao để tranh thủ vay ưu đãi và có thể “đi đêm” với ngân hàng, vị này khẳng định đây là điều không dễ gì làm được. “Các ngân hàng cho vay sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không đúng đối tượng. Sau này, gói vay này đi vào thực hiện, chúng tôi sẽ cho thanh tra kiểm tra, rà soát  bất cứ lúc nào”, vị lãnh đạo nói. 

Đã đầu tư 3.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện các ngân hàng đã “rót” khoảng 3.000 tỷ đồng cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCCN).

Theo ông Cường, với gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho NNCNC, tới đây, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, phối hợp để triển khai. Các doanh nghiệp làm NNCNC sẽ được tạo điều kiện tiếp cận gói vay thuận lợi, dễ dàng hơn nhưng vẫn đảm bảo nguyên lý của kinh tế thị trường. Riêng Bộ NN&PTNT đã xây dựng xong bộ tiêu chí NNCNC, làm cơ sở để phía ngân hàng thẩm định, hướng đầu tư vào các nội dụng đó.

Nam Khánh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh - Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN