TQ hung hăng: "G7 đừng xen vào chuyện người khác"

Theo CNA, ngày 26-5, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung bàn bạc về nền kinh tế toàn cầu và những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Trung Quốc. Trung Quốc đã ngay lập tức phản pháo lại G7.

Các tổng thống và thủ tướng G7 tập hợp ở Nhật Bản trong hai ngày. Chương trình nghị sự sẽ đề cập đến các vấn đề khủng hoảng tị nạn, khủng bố, Triều Tiên và những biện pháp trừng phạt Nga.

Nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là trong các tranh chấp lãnh thổ gay gắt ở biển Đông đang gây ra những quan ngại sâu sắc về an ninh khu vực và nhiều vấn đề liên quan tự do hàng hải.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi G7 nên có "lập trường cứng rắn" về vấn đề này.

TQ hung hăng: "G7 đừng xen vào chuyện người khác" - 1

(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ăn tối ở TP Shima, tỉnh Mie vào ngày đầu tiên trong hội nghị. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA

Bắc Kinh đã nhanh chóng phản pháo lại G7 gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ - cho rằng G7 không nên "tư lợi" như vậy.

"G7 nên tập trung vào nhiệm vụ riêng của mình là hợp tác kinh tế, không nên can thiệp vào những vấn đề ngoài lề", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hua Chunying cho biết tại một cuộc họp thường xuyên ở Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Xinhua, cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh đã bổ sung phát biểu trên với lời bình luận thẳng thừng rằng G7 "đừng xen vào chuyện người khác" và cáo buộc Nhật Bản lợi dụng vị thế chủ nhà để cô lập Trung Quốc. Trung Quốc và Nhật Bản từ trước đến giờ luôn có mối quan hệ ồn ào.

Cả Mỹ và Nhật đang tranh cãi với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, cảnh báo Trung Quốc về tình hình căng thẳng trong vùng biển tranh chấp.

Cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề tị nạn

Kinh tế toàn cầu là trọng tâm trong các cuộc đàm phán chính thức, mặc dù vẫn có những ý kiến khác nhau về việc liệu thế giới nên làm dịu hay đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng bất ổn. Nhật Bản và Đức đang có ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Đã có một số "cuộc tranh luận sôi nổi" giữa các nhà lãnh đạo G7 về vấn đề người tị nạn, một quan chức chính phủ cao cấp Nhật Bản giấu tên cho biết. Những tranh luận này diễn ra sau khi Chủ tịch Donald Tusk cho rằng không chỉ châu Âu mà cả thế giới cần phải cùng nhau hành động.

"Chúng tôi hiểu rằng do vị trí địa lý nên châu Âu vẫn và sẽ là nơi nhận trách nhiệm lớn nhất" - ông Tusk trả lời phóng viên. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế thể hiện sự đoàn kết và hiểu rằng đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu."

Thủ tướng Đức Merkel cho biết không có khả năng sẽ tạo ra các quỹ mới để giải quyết vấn đề, nhưng nói thêm rằng "chúng tôi đều đồng ý rằng phải làm tất cả để giải quyết các nguyên nhân khiến mọi người phải đi tị nạn".

Năm ngoái khoảng 1,3 triệu người tị nạn chủ yếu từ Syria và Iraq, đã xin được tị nạn tại Liên minh châu Âu - hơn 1/3 số người tị nạn là ở Đức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhi Ngô (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN