TP.HCM quá thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp

Toàn TP.HCM có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 thì có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

TP.HCM quá thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp - 1

TP.HCM thiếu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp (Ảnh: TL)

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thành phố này đang có gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục thu hút rất đông người nước ngoài đến làm việc và sinh sống. Hiện tại, có 80.000 người Hàn Quốc trong tổng số 140.000 người trong cả nước, 8.000 người Nhật, 3.000 người Singapore, 1.200 người Đức...

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khoảng 2,8%/năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất khu vực với dân số đô thị chiếm hơn 26% (theo số liệu thống kê năm 2010), trong đó TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước với dân số tăng trung bình mỗi năm tương đương dân số một quận (tốc độ tăng dân số cơ học 2,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,07%/năm).

Mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới và có một bộ phận không nhỏ trong số gần 200.000 công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, y tế, cũng như người có thu nhập trung bình, đặc biệt là người có thu nhập thấp, người nhập cư cũng như hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng, có nhu cầu cấp bách về nhà ở, nhất là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ 1-2 phòng ngủ, có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Theo một kết quả khảo sát khác do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện, chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Trong số này, cán bộ công chức là 10.000 người; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo là 39.000 người; lao động trong khu công nghiệp là 17.000 người. Hầu hết các nhóm đối tượng trên đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%. Đây cũng là thách thức lớn nhất vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền và nguồn cung nhà ở xã hội còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu.

Riêng đối với nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội tại thành phố từ nay đến năm 2020, Sở Xây dựng đã đưa ra mục tiêu hoàn thành 44.700 căn hộ nhà ở xã hội với 39 dự án cụ thể, có tính khả thi.

Nhìn lại thị trường bất động sản TP.HCM trong hơn 20 năm qua đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đặc biệt là đỉnh điểm bong bóng bất động sản năm 2007, năm 2010 và giai đoạn thị trường bị đóng băng kéo dài từ năm 2008 đến 2013 với hậu quả nghiêm trọng mà đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi và tăng trưởng mạnh, tuy nhiên vẫn trong trạng thái chưa vững chắc và chưa bền vững.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản có dấu hiệu bị chững lại, đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trong phân khúc bất động sản cao cấp do nguồn cung tăng quá lớn, có dấu hiệu cung vượt cầu trong lúc thị trường rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho thuê giá rẻ.

Từ đó, HoREA cho rằng là chỉ khi nào giải quyết được nhu cầu nhà ở của đa số người dân thì mới thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt.

Trong 20 năm qua, xu thế phát triển các tòa nhà cao tầng trong các đô thị là tất yếu, với hàng chục ngàn hộ gia đình đã lựa chọn sống trong căn hộ chung cư. Ngày nay, đòi hỏi của người dân không chỉ là có chỗ ở mà còn đòi hỏi một không gian sống ngày càng tốt hơn, xanh, thân thiện môi trường, có nhiều tiện ích, tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo, an ninh và an toàn, nhất là an toàn phòng cháy và chữa cháy, thoát hiểm, cứu nạn tại các tòa nhà chung cư cao tầng.

Do đó, việc thực hiện thành công "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM" sẽ nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống của cư dân, thu hút đầu tư và phát triển du lịch, tạo dựng nên diện mạo TP.HCM trong thế kỷ 21 với điểm nhấn mới là khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Diệu (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN