Tồn tại "những bức tường kính" hạn chế phụ nữ làm CEO
“Thúc đẩy sự đa dạng trong quản lý bằng việc có thêm nữ giới đảm nhận các vị trí cao nhất là chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.”, ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc ILO Việt Nam cho hay.
Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam ở vị trí 76 trên tổng số 108 quốc gia về tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý tại các doanh nghiệp, chiếm 23%.
Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), xếp thứ 27/50 nữ doanh nhân giàu nhất Châu Á
Báo cáo của ILO cho thấy chỉ khoảng dưới 5% các CEO của các công ty lớn trên thế giới là phụ nữ. Công ty càng lớn, càng ít khả năng người đứng đầu là phụ nữ. Tại Việt Nam, chỉ 7% các CEO của tổng số hơn 600 công ty được khảo sát là phụ nữ.
Tuy nhiên, bà Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng Hoạt động Giới chủ của ILO lại chỉ ra rằng có mối quan hệ tích cực giữa việc phụ nữ tham gia vào các nhóm ra quyết định cao nhất với hiệu quả kinh doanh.
Bà France-Massin cho biết: “Việc nữ giới đảm nhận vai trò quản lý cao cấp trong các lĩnh vực chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng một nhóm các ứng cử viên tiềm năng cho các vị trí cao nhất như CEO hoặc Chủ tịch. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại “những bức tường kính” giới hạn phụ nữ chỉ ở một số các vị trí quản lý nhất định như nhân sự, truyền thông và hành chính.”
Nghiên cứu của ILO cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái nhận được khoảng một nửa nguồn lực của giáo dục trên thế giới. Họ cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các nhân tài. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Theo dữ liệu từ UNESCO, số lượng nữ giới học từ đại học trở lên luôn cao hơn nam giới trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2011.
Bên cạnh đó, còn có những bằng chứng cho thấy lợi ích của doanh nghiệp trong việc sử dụng các nhân tài là nữ giới. Việc thích ứng với một thị trường tiêu dùng ngày càng ảnh hưởng nhiều bởi phụ nữ.
Phụ nữ thường xuyên kiểm soát ngân sách hộ gia đình, đưa ra các quyết định tài chính và sức mua của họ đang tăng lên, họ là những khách hàng và người tiêu dùng quan trọng đối với các sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, việc đưa ra các quyết định tại các doanh nghiệp cần có sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới.
Giám đốc ILO tại Việt Nam, Ông Gyorgy Sziraczki cho hay: “Thúc đẩy sự đa dạng trong quản lý bằng việc có thêm nữ giới đảm nhận các vị trí cao nhất là chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và nhờ vậy doanh nghiệp nắm bắt được các lợi ích về kinh tế và xã hội”.