Thuế về 0%: Làm gì có “tình cho không biếu không"!

Sự kiện: Kinh Doanh

Với các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế quan sẽ về 0% ngay khi có hiệu lực hoặc theo lộ trình nhất định. Tuy nhiên, việc đàm phán về thuế quan và nguyên tắc xuất xứ luôn song hành cùng nhau, giống như chúng ta đi hai chiếc giày ở hai chân.

Tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và Hong Kong: Làm sao để doanh nghiệp hưởng lợi?” do VCCI tổ chức vào tuần trước, bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết: “Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng ngay sau khi một Hiệp định thương mại tự do nào đó có hiệu lực thì hơn 90% hàng hóa có mức thuế quan 0%. Nhưng thực ra chẳng có tình cho không biếu không ở đây. Nếu không đáp ứng được nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ thì không có cách nào hàng hóa có thể được hưởng thuế quan 0%”.

Khi không có quy tắc xuất xứ, việc đàm phán thuế quan là hoàn toàn vô nghĩa, nên nói thuế quan sẽ về 0% khi một hiệp định có hiệu lực là mới chỉ nói phần nổi của tảng băng chìm.

Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc là FTA mới nhất trong tổng số 16 FTA Việt Nam đã tham gia, trong đó có 12 FTA đã ký kết và 4 FTA đang đàm phán. Có rất nhiều điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc cũng tương đương với các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.

Thuế về 0%: Làm gì có “tình cho không biếu không"! - 1

Bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương.

Theo bà Bùi Kim Thùy, quan trọng nhất với bất kỳ FTA nào là Chương về thương mại hàng hóa, trong đó có quy định về nguyên tắc xuất xứ. Một Hiệp định sẽ không thể được coi là Hiệp định thương mại tự do nếu thiếu đi điều khoản cơ bản này.

Việt Nam chưa chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc nhưng việc Hong Kong, Trung Quốc trở thành đối tác FTA của ASEAN sẽ giúp đồng bộ các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ và biểu thuế. Việc đông bộ hóa này giúp doanh nghiệp XNK được hưởng lợi rất nhiều.

Cũng theo bà Thùy, trong số các FTA Việt Nam đã tham gia, không phải FTA nào cũng được các doanh nghiệp tận dụng được hết các lợi thế do FTA mang lại. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng lợi thế FTA ASEAN – Trung Quốc đang nằm trong nhóm thấp nhất.

Bà Bùi Kim Thùy lấy ví dụ về FTA ASEAN – Hàn Quốc và FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Các DN Hàn Quốc luôn có đội ngũ luật sư chuyên tư vấn để tận dụng những lợi do Hiệp định mang lại. Các DN Hàn Quốc tại Việt Nam cũng liên tục tổ chức tập huấn từ 3-7 ngày để cập nhật các thông tin về nguyên tắc xuất xứ, nên tỷ lệ tận dụng ưu đãi của họ sẽ cao hơn.

Trong khi đó, DN của chúng ta chưa tận dụng tốt các ưu đãi của FTA, một ví dụ nhỏ là nguyên tắc cho phép các DN có thể "vi phạm" trong một chừng mực nào đó, nhưng khi DN không nắm được sẽ không thể tận dụng được.

“Điều này đòi hỏi DN phải tính toán rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có luật sư nào có thể tư vấn được cho DN về nguyên tắc xuất xứ, nên Bộ Công thương nhiều khi phải đóng rất nhiều vai, vừa đi đàm phán, vừa tư vấn cho DN”, bà Bùi Kim Thùy cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN