Thủ tướng:'Không phải ngứa trên đầu lại gãi dưới chân'
Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ đưa ra những cam kết mạnh mẽ đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Đúng 13h20 phút ngày 17-5, sau 6 tiếng lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và giải trình các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã đăng đàn phát biểu kết luận hội nghị.
“Tinh thần là phải chuyển lời nói thành hành động. Tôi sẽ ký chỉ thị không thanh tra doanh nghiệp quá một lần/năm. Nếu có thanh tra đột xuất thì không được thanh tra mở rộng. Chỉ thị sẽ mang số 20”, Thủ tướng tuyên bố.
Cả hội trường vỗ tay trước Chỉ thị tuyệt vời này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Tinh thần là phải chuyển từ lời nói thành hành động"
Theo Thủ tướng, trong hơn một năm qua, Chính phủ với phương châm “kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ” đã từng bước đảm bảo môi trường kinh doanh tốt, cạnh tranh bình đẳng.
Một môi trường không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn đối với người kinh doanh và tài sản của họ. Một môi trường kinh doanh không chỉ có chi phí thấp mà còn rủi ro thấp, chống hàng giả, hàng nhái để đảm bảo công bằng cho mọi thành phần kinh tế.
Một môi trường không chỉ được khuyến khích, tôn trọng doanh nghiệp mà còn được bảo vệ, để mọi người yên tâm đầu tư dài hạn, mở rộng và không ngừng phát triển.
“Chính phủ và các địa phương đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu mà gãi dưới chân. So với hội nghị trước, tính gay gắt của Hội nghị đã giảm đi rất nhiều”, Thủ tướng khẳng định.
Điểm qua những vấn đề cải cách thể chế, Thủ tướng nói rằng: Đó là chủ trương đúng và sẽ làm cho bức tranh kinh tế sáng sủa hơn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Cụ thể, số lượng, chất lượng các doanh nghiệp đã tăng lên, 4.500 thủ tục đã được bãi bỏ, trong số 1098 kiến nghị của doanh nghiệp đã xử lý được 77,5%; năm 2016 đã có 110.000 doanh nghiệp được thành lập, 4 tháng đầu năm 2017 đã có 40.000 doanh nghiệp ra đời.
Thủ tướng cho hay: các tổ chức, định chế tài chính quốc tế đều đánh giá tích cực cải cách của Việt Nam và Việt Nam đang phấn đấu đứng đầu Asean về môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn các nước phát triển (OECD).
Tuy vậy, Thủ tướng, như trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, nhấn mạnh một lần nữa rằng: “Vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp và Chính phủ đã nhận diện ra những rào cản này”.
Theo Thủ tướng, thuế, phí còn cao, cũng như vấn đề phí bôi trơn đang làm Chính phủ trăn trở và sẽ có chương trình hành động. Thủ tướng nhìn nhận rằng: có hiện tượng “cò” các thủ tục hành chính, giấy phép con vẫn còn và chưa minh bạch.
“Vì thế còn sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức. Cơ quan, cán bộ chưa nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Những vấn đề Chính phủ nhận diện, cùng với các ý kiến, kiến nghị, giải pháp của doanh nghiệp, theo Thủ tướng, sẽ là tiền đề để Chính phủ đưa ra những giải pháp.
Thủ tướng cho hay: Chính phủ cam kết tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt.
Trong đó, đứng đầu là vấn về kiến tạo môi trường kinh doanh thân thiện, công bằng. Đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô thượng tôn pháp luật.
“Từ trung ương tới địa phương phải thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Suy đến cùng Chủ tịch, Bí thư ở các tỉnh, các Bộ trưởng phải lo những công việc này theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm theo hướng trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế.
“Tôi khẳng định lại mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công – tư. Xóa bỏ mọi ưu ái; thu hồi nguồn lực, tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả để phân bố lại theo tiêu chí năng suất, hiệu quả, tối ưu hóa, chứ không phải chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ thúc đẩy hình thành những thị trường đất đai, tài chính, tín dụng, lao động… một cách đồng bộ.