Thiên đường rửa tiền TQ: Luồn lách trong lòng châu Âu

Nền kinh tế ngầm nguy hiểm được nuôi dưỡng trong cộng đồng người Trung Quốc và lớn mạnh nhờ thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Bắc Kinh và phương Tây

“Đi tới đâu cũng bắt gặp người Trung Quốc ngày càng nhiều. Họ ra nước ngoài nhưng không quên mang theo kiểu làm ăn ở quê nhà, trong đó không thể thiếu thế giới tài chính ngầm”. Đó là nhận định của cựu đặc vụ tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ John Cassara.

Quy mô ngày càng lớn

Vị quan chức kỳ cựu được coi là chuyên gia chống rửa tiền và tài trợ khủng bố này nhấn mạnh thế giới ngầm của người Trung Quốc hoàn toàn “vô hình trên màn hình radar và chẳng ai biết về chúng”.

Thiên đường rửa tiền TQ: Luồn lách trong lòng châu Âu - 1

Cảnh sát Tây Ban Nha áp giải một nghi phạm tại trụ sở ICBC Chi nhánh Madrid Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), những tài liệu tình báo châu Âu mà họ tiếp cận được cho thấy một số mạng lưới “CEO giả” tại lục địa già đang câu kết với những người Trung Quốc nhập cư ở châu Âu để rửa tiền. Người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính của Văn phòng Cảnh sát châu Âu (Europol), ông Igor Angelini, cho biết: “Các đối tượng tội phạm “CEO giả” chuyển tiền bẩn tới Trung Quốc và các nhóm tội phạm Trung Quốc ở châu Âu đưa lại tiền mặt cho chúng. Quy mô của hiện tượng này ngày càng lớn”. Cảnh sát tin rằng dân nhập cư Trung Quốc và các đối tượng lừa đảo người Israel ở Pháp là những kẻ đầu tiên “bắt tay” trong những kiểu phi vụ này và từ đó mở ra một hệ thống rửa tiền ngay trong lòng châu Âu, hoạt động sôi nổi tới mức nhiều người nhập cư coi đây là cách nhanh nhất, an toàn nhất cho các nhà buôn Trung Quốc muốn chuyển tiền về quê nhà.

Ban đầu, người Trung Quốc nhập cư đưa tiền mặt của họ cho một thành viên tin cậy trong cộng đồng người Trung Quốc địa phương tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ hay Đức và cho biết các tài khoản họ muốn chuyển tiền tới (ở Trung Quốc). Kẻ trung gian này sẽ cung cấp các thông tin liên lạc của một số người Israel với các thông tin tài khoản ngân hàng liên quan. Sau đó, những người Israel sẽ chuyển trực tiếp tiền tới những tài khoản nói trên ở Trung Quốc. Một khi người bên phía Trung Quốc xác nhận tiền đã “hạ cánh” vào đúng tài khoản, tên trung gian sẽ đưa số tiền mặt bằng euro cho người Israel. Người Israel nhận tiền euro tại châu Âu, còn người Trung Quốc nhận tiền nhân dân tệ tại Trung Quốc. “Hoạt động này giống như những phi vụ sơ khởi giữa cộng đồng người Trung Quốc và các tội phạm lừa đảo ở Israel” - theo tài liệu tình báo, trong đó nêu rõ các đối tượng trung gian thường đòi phí 2,5%.

Đội chống tội phạm tài chính của Pháp hồi tháng 6-2015 đã triệt phá một mạng lưới chuyển tiền tương tự ở quận tập trung đông đảo người Hoa ở Aubervilliers, ngoại ô thủ đô Paris. Hàng loạt nhà buôn Trung Quốc tại đây bị cáo buộc rửa tiền cho các băng nhóm ma túy Bắc Phi.

Ngân hàng “nhúng chàm”

Trong khi đó, hồi tháng 2 vừa qua, 6 lãnh đạo Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) tại Tây Ban Nha đã bị bắt giữ do nghi ngờ trợ giúp hoạt động rửa tiền trên khắp châu Âu. Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi cảnh sát lục soát văn phòng của ngân hàng lớn nhất Trung Quốc này tại Madrid để điều tra nghi án rửa tiền ít nhất 40 triệu euro. ICBC bị cáo buộc cho phép nhiều người Trung Quốc và tổ chức tội phạm Tây Ban Nha chuyển tiền kiếm được từ các hoạt động tội phạm như buôn lậu, lừa đảo thuế, bóc lột lao động... về Trung Quốc dưới hình thức có vẻ hợp pháp. Europol cho biết vụ bắt giữ nói trên tiếp nối chiến dịch điều tra từ năm 2015 nhằm vào các băng đảng Trung Quốc tại Tây Ban Nha bị tình nghi nhập khẩu một lượng hàng lớn từ Trung Quốc mà không khai báo với hải quan Tây Ban Nha nhằm trốn thuế. Các băng đảng này được cho là đặt các tài khoản ở ICBC và gửi tiền về Trung Quốc mà không bị kiểm tra nguồn gốc theo quy định của pháp luật sở tại. Dù vậy, Đại sứ quán Trung Quốc tại Madrid phản hồi rằng hoạt động của các công ty nước này tại Tây Ban Nha luôn tuân thủ luật pháp cả Trung Quốc và nước sở tại.

Tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng Trung Quốc (BoC) Chi nhánh Milan cũng bị giới chức Ý cáo buộc liên quan đến một vụ rửa tiền quy mô 4,5 tỉ euro. Các công tố viên tại Florence (Ý) cho biết 4,5 tỉ euro được chuyển từ Ý sang Trung Quốc với nguồn gốc được cho là từ các hoạt động mại dâm, làm hàng giả, trốn thuế và bóc lột lao động.

Giới chức cuộc điều tra được đặt tên là “Dòng sông tiền” này cho biết trong số 4,5 tỉ euro nói trên, có gần một nửa được chuyển qua chi nhánh tại Milan của BoC trong thời gian từ năm 2007-2010 từ những người Trung Quốc sống chủ yếu ở các thành phố Florence và Prato thuộc vùng Tuscany. Ngân hàng lớn thứ 3 của Trung Quốc này thu được hơn 758.000 euro tiền dịch vụ từ hoạt động chuyển khoản đó. Tổng cộng 297 người bị cáo buộc liên quan đến vụ rửa tiền, đa số là người Trung Quốc định cư tại Ý, bao gồm 4 viên chức quản lý của BoC Chi nhánh Milan.

Phiên điều trần đầu tiên trong số 5 cuộc điều trần sơ bộ của vụ án “Dòng sông tiền” đã bắt đầu từ hôm 16-3 và dự kiến kết thúc vào ngày 13-7 tới. Theo AP, vụ việc đã phơi bày nền kinh tế ngầm nguy hiểm được nuôi dưỡng trong cộng đồng người Trung Quốc và không ngừng lớn mạnh do sự thiếu vắng các biện pháp hợp tác hiệu quả về pháp lý giữa Trung Quốc và phương Tây. Các công tố viên Ý cáo buộc rằng mạng lưới chuyển tiền có tên Money2Money hoạt động giống như một tổ chức mafia, dùng “nắm đấm” để duy trì con đường chuyển tiền gần như độc quyền từ Ý tới Trung Quốc. Ngoài ra, Money2Money còn có thỏa thuận riêng với BoC Chi nhánh Milan để khống chế ngân hàng này không được cho bất cứ tổ chức nào khác chuyển tiền từ Ý về Trung Quốc. Giới chức Ý cho biết Bắc Kinh không hợp tác trong bất cứ cuộc điều tra rửa tiền nào dù họ không ngừng thôi thúc chính phủ các nước phương Tây trợ giúp hồi hương những quan chức Trung Quốc tham nhũng ôm tiền chạy ra nước ngoài.

Các “đại gia” ngân hàng của Trung Quốc bị sờ gáy không chỉ ở châu Âu. Hồi tháng 7-2015, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) bị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chê trách vì những thiếu sót trong công tác chống rửa tiền. Đồng thời, CCB cũng được khuyến cáo phải tăng cường cơ cấu hoạt động chống rửa tiền và cải thiện hoạt động rà soát khách hàng cũng như giám sát các hoạt động chuyển tiền đáng ngờ. Những vụ việc tai tiếng liên tục này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh các công ty của nền kinh tế số 2 thế giới trong tham vọng mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Quyên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN