Thách thức lớn từ nợ đọng BHXH

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số nợ đọng BHXH đã lên tới 14.000 tỷ đồng. Đây được coi là một trong những thách thức lớn nhất của BHXH hiện nay, cùng với đó là câu chuyện làm sao đến năm 2020, ít nhất 50% số người có hợp đồng lao động được đóng BHXH.

Nợ đọng BHXH gia tăng

Trong buổi toạ đàm về khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, số nợ đọng BHXH có giảm trong năm 2016 nhưng lại có xu hướng gia tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2017. Tính đến quý I/2017, các doanh nghiệp đang nợ tới 14.000 tỷ đồng, trong đó có đến 1.400 tỷ đồng nợ có khả năng mất trắng.

Con số 14.000 tỷ đồng nợ đọng BHXH là một con số đáng lo ngại. Bởi Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa xử lý được trường hợp nào doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Tính đến thời điểm hiện tại, BHXH đã chuyển cho các LĐLĐ tại địa phương 1.177 hồ sơ doanh nghiệp nợ đóng BHXH. Giữa tháng 2/2017, đã có 11 LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã nộp hồ sơ khởi kiện 77 doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, chỉ có 60 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý, còn 17 hồ sơ bị Toà án trả lại với những lý do như không thuộc thẩm quyền xử lý và không có giấy uỷ quyền của người lao động.

Thách thức lớn từ nợ đọng BHXH - 1

Việc doanh nghiệp nợ đọng tới hơn 14.000 tỷ đồng tiền BHXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: Bảo Anh.

Theo đúng theo trình tự thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên. Thế nhưng cái khó là công đoàn cơ sở ngại không dám khởi kiện người sử dụng lao động, ngại khởi kiện nhưng ngay cả việc ủy quyền cho công đoàn cấp trên họ cũng ngại.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: “Những người phụ trách liên đoàn cơ sở thường là kiêm nhiệm, cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của doanh nghiệp thì việc để họ đứng ra để kiện chính doanh nghiệp của mình rất khó”.

Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Theo các chuyên gia, để hạn chế và không để tình trạng “nhờn luật” trong lĩnh vực này, cần quy định, có các chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành động cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH. Thời gian qua, chế tài xử lý các hành vi trên nhìn chung còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; số vụ sai phạm, vi phạm về BHXH được đưa ra xử lý trước pháp luật còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Một vấn đề vướng mắc nữa trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH là bất cập giữa Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự… khiến cho tính đến thời điểm hiện tại chưa có một vụ nào được xét xử. Các vụ án được tiếp nhận chủ yếu là được doanh nghiệp bị khởi kiện chủ động nộp tiền để tránh liên quan pháp lý.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề trên là cần phải sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, nên giao cho liên đoàn cấp trên là đối tượng được quyền thay mặt cho người lao động và liên đoàn cơ sở thực hiện việc khởi kiện. Đồng thời BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các doanh nghiệp. Mục đích để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất.

Thách thức từ con số 50% lao động được đóng BHXH

Một trong những thách thức nữa của BHXH trong thời gian tới là làm sao đến năm 2020 đạt mục tiêu 50% số người có hợp đồng lao động được đóng BHXH do Quốc hội đặt ra.

Đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đặt vấn đề: “Hiện, có 82% người dân tham gia BHYT, còn các doanh nghiệp bảo hiểm bên ngoài đang quản lý trên 16 triệu hợp đồng bảo hiểm thương mại. Chúng ta không thể thống kê trong số đó bao nhiêu người đã mua BHYT từ BHXH Việt Nam. Tương tự, chúng ta mới chỉ nắm được số liệu chính thức từ BHXH Việt Nam là có 24,1% người lao động (NLĐ) được đóng BHXH, mà không có số liệu từ các DN bảo hiểm bên ngoài”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá, việc này tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại là thách đố rất lớn đối với ngành BHXH. “Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 50% số người có hợp đồng lao động được đóng BHXH, nhưng hiện chúng ta mới đạt 24,1%. Đây là khoảng cách rất lớn và ngành LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm xem xét…”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, như việc huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố còn hạn chế (còn 10 tỉnh chưa hỗ trợ, 12 tỉnh hỗ trợ từ 10 - 20%); hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ được hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con khó khăn về kinh tế…

Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm và chưa bảo đảm sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT. Đồng thời, chưa có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền lợi được tham gia BHYT cho các đối tượng sinh sống ở các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngày 22/5/2017, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1955/BHXH-CSYT yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức để các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Đồng thời, yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước có trách nhiệm hướng dẫn người có thẻ BHYT hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu tại PKĐK Tâm Đức chuyển đến KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã trên địa bàn tỉnh để đảm bảo quyền lợi về KCB BHYT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN