Tái diễn cảnh người dân xếp hàng dài chờ rút tiền ở các khu công nghiệp
Đến hẹn lại lên, vài ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã xuất hiện hiện tượng ATM của một số ngân hàng không đảm bảo theo yêu cầu, gián đoạn trong hoạt động, khiến người dân xếp hàng dài chờ rút tiền, nhất là ở địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trước tình trạng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã có văn bản số 406/NHNN-TT về việc tăng cường chất lượng dịch vụ ATM dịp Tết Nguyên đán 2017.
Văn bản nêu rõ, Thống đốc NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ chủ động tiếp quỹ đầy đủ kịp thời, tăng cường theo dõi, có biện pháp đảm bảo hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017 (Công văn số 9620/NHNN-TT ngày 01/12/2016, Công văn số 9557/NHNN-TT ngày 14/12/2016 và Công văn số 10088/NHNN-VP ngày 31/12/2016).
Giao dịch rút tiền tại ATM tăng vọt
Theo đại diện một ngân hàng cho biết, năm 2017, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau chưa đầy 1 tháng, áp lực cung tiền cũng theo đó tăng lên nhiều so với những năm trước. Việc người dân đổ dồn vào các máy ATM trong cùng một thời điểm gây tắc nghẽn cục bộ là điều khó tránh.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành tính đến thời điểm này là hơn 106 triệu thẻ và hơn 16.500 máy ATM và 217.000 máy POS.
Điều đáng nói là cho dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, thì thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn rất còn phổ biến. Nhiều con số nghiên cứu cho thấy, có đến gần 90% giao dịch của các chủ thẻ là để rút tiền mặt. Đó là lý do vì sao đến nay, cứ nói đến ATM chúng ta vẫn loay hoay với câu chuyện rút tiền mặt.
Khách hàng chờ rút tiền tại ATM Vietcombank Hà Nội (Ảnh: Hoàng Thắng)
Ở các khu công nghiệp, công nhân ồ ạt rút tiền tại một thời điểm khiến các cây ATM “trở tay” không kịp dẫn đến quá tải. Năm nào ngành ngân hàng cũng nỗ lực để khắc phục “căn bệnh” này nhưng dường như chưa thể giải quyết triệt để. Vẫn còn những cây ATM “nghỉ tết sớm” với những dòng chữ “máy hỏng”, “máy đang tạm ngưng hoạt động” hoặc “máy đang sửa chữa”…
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, nếu bình thường, các ngân hàng chỉ cần tiếp quỹ 1-2 lần/ngày/máy thì trong những ngày này, lượng tiếp quỹ tăng lên 3 - 4 lần, thậm chí có điểm phải tăng lên 5-6 lần; lượng giao dịch mỗi máy ATM tăng khoảng 40% so với ngày thường, đồng nghĩa với việc một máy trước đây nạp từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ngày thì tăng lên có máy phải nạp từ 2 đến 4 tỷ đồng/ngày, thậm chí lên đến 6 tỷ đồng/ngày.
Bà Bùi Thị Nghĩa, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Hải Dương, cho biết Vietcombank Hải Dương hiện đang quản lý 63 máy ATM trong tổng số 262 máy toàn tỉnh, số lượng thẻ ghi nợ phát hành các loại là 722 nghìn thẻ trong tổng số 1,58 triệu thẻ trên địa bàn.
Do mạng lưới hoạt động rộng khắp trong toàn tỉnh với 15 phòng giao dịch và 1 trụ sở chính, chiếm thị phần máy và thẻ phát hành lớn nhất cho nên việc xác định đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM và nhu cầu rút tiền mặt của nhân dân, đặc biệt trong dịp tết nguyên đán này luôn được Vietcombank Hải Dương xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
“Tuy nhiên, trong tháng cao điểm Tết doanh số rút tiền tại ATM của Vietcombank Hải Dương đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với tháng thường”, bà Nghĩa cho biết.
Theo bà Nghĩa, để giảm tải áp lực, Vietcombank có chủ động tư vấn khách hàng doanh nghiệp trong khu công nghiệp chọn ngày trả lương, thưởng không trùng nhau. Hoặc có thể phối hợp cùng ngân hàng có linh hoạt những hình thức thanh toán cho phù hợp như chi trả trực tiếp tại chỗ song song hình thức trả qua ATM. Doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho người lao động được rút vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, kể cả trong giờ hành chính.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân thì không nên tập trung rút tiền vào lúc tan tầm mà phân bố thời gian cho phù hợp hoặc lựa chọn sang máy gần nhất do hiện nay mạng lưới ATM toàn ngành ngân hàng phân bố rộng khắp và có sự tập trung tại một số khu công nghiệp và địa bàn đông dân cư. Hoặc có thể một số nhu cầu thiết yếu vẫn có thể dùng thẻ thanh toán thay vì rút tiền mặt tại ATM.
Các điểm giao dịch ngân hàng cũng đông “nghẽn”
Thực tế, tình trạng đông nghẽn không chỉ ở những cây ATM, những ngày làm việc cuối cùng của năm Bính Thân, điểm giao dịch của nhiều ngân hàng ở trong tình trạng “nghẽn” vì lượng người đến rút tiền mặt tăng vọt.
Theo ghi nhận của Dân Việt, các chi nhánh của ngân hàng BIDV những ngày cuối năm lúc nào cũng trong cảnh đông nghịt khách.
Anh Vũ Minh, có cơ quan tại đường Dương Đình Nghệ (phường Nam Từ Liêm, HN) sáng 23.1 có việc phải giao dịch tại ngân hàng đã tìm ra 2 chi nhánh của BIDV tại đường Dương Đình Nghệ và đường Trần Thái Tông, tuy nhiên đều gặp phải cảnh người đứng người ngồi chật kín phòng giao dịch.
Điểm giao dịch tại BIDV ở Dương Đình Nghệ cũng đông nghẽn những ngày cuối năm (Ảnh: Vũ Minh)
Theo yêu cầu của phòng, anh Minh đã nhấn chọn số đợi tới lượt thì số báo vào thời điểm 10h30 còn khoảng 80 người nữa mới tới lượt anh.
Quá oải vì biết chắc nếu chờ tới lượt mình thì cũng phải mất tới vài tiếng đồng hồ, anh đã quyết định phải chạy thẳng ra phòng giao dịch ở Đội Cấn (phường Ba Đình, HN), tức là cách nơi anh làm việc hơn 8km, nơi anh có người quen. Rất may ở chỗ này, nhân viên giao dịch cho biết do hệ thống vừa gặp trục trặc (chắc do quá tải cuối năm –PV) nên tạm dừng hoạt động, khách vừa ra về hết.
Khách hàng xếp hàng chờ đến lượt giao dịch tại Vietcombank PGD Trung Kính (Ảnh: Hoàng Thắng)
Cũng nhờ quen biết, anh được ưu tiên thanh toán trước. Nhân viên giao dịch cũng than, cả tuần nay phải làm việc trong tình trạng quá tải như vậy. Khách hàng có nhu cầu giao dịch cao cuối năm.
Ngoài việc rút tiền lương thưởng, chuyển tiền, thanh toán các khoản công nợ…, thậm chí, nhiều người có nhu cầu chuyển tiền (vài trăm nghìn đồng) mua đồ sắm Tết cũng chọn ngân hàng để giao dịch cho đảm bảo, trong khi các cây ATM trong điều kiện ngưng hoạt động. Chính vì vậy các phòng giao dịch đều vào cảnh đông nghẹt thở.
Thậm chí có khách hàng còn tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ đến lượt giao dịch tại Vietcombank (Ảnh: Hoàng Thắng)
Tình trạng này cũng tái diễn tại các ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank. Khách hàng tới rút tiền, giao dịch phải xếp hàng đợi rất lâu, thậm chí có người phải đứng vì quá đông.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng với những điểm giao dịch có nhu cầu tăng vọt ngân hàng sẽ bố trí thêm người, làm thêm giờ để giúp khách hàng hoàn tất giao dịch.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cũng cho biết hiện ngân hàng đang đáp ứng đủ nhu cầu của rút tiền của khách hàng. Nếu có chi nhánh nào nhu cầu rút tiền lớn và phản ánh lên thì ngân hàng sẽ bố trí làm thêm giờ, tăng thêm người để phục vụ nhu cầu giao dịch của khách hàng.