Sức ép tăng lãi suất

Một số ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn, trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng khá mạnh.

Trong biểu lãi suất tiền gửi mới nhất áp dụng từ ngày 24-2, Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục tăng lãi suất huy động ở một số chương trình khuyến mại. Một tuần trước, Eximbank cũng đã tăng lãi suất huy động lên mức khá cao ở các kỳ hạn dài, như 15 tháng từ 6,5%/năm lên 7%/năm, 24-36 tháng lên 8%/năm - mức lãi suất khá cao so với mặt bằng chung.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh vốn

Eximbank điều chỉnh lãi suất tăng khá ở các chương trình khuyến mãi, như gửi kỳ hạn 1 tháng thông thường lãi suất 4,6%/năm nhưng tham gia chương trình “Xuân sang phú quý, Tết về đoàn viên”, lãi suất lên tới 5,5%/năm.

Một số NH cổ phần khác cũng điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Tại NH TMCP Đông Á, lãi suất huy động tăng nhẹ ở kỳ hạn dưới 6 tháng lên 5,5%/năm. NH TMCP Bản Việt nâng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 7%/năm và lãi suất tiền gửi cao nhất hiện ở kỳ hạn 18 tháng là 7,9%/năm…

Sức ép tăng lãi suất - 1

Dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay khó có biến động lớn Ảnh: Tấn Thạnh

Trong khi đó, trên thị trường liên NH, nơi các tổ chức tín dụng vay mượn lẫn nhau, lãi suất bình quân cũng tăng khá mạnh từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Theo biểu lãi suất công bố của NH Nhà nước áp dụng từ ngày 21-2, lãi suất bình quân qua đêm trên thị trường này hiện ở mức 4,74%/năm, các kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 tháng 4,78%-4,98%/năm. Mức lãi suất này có giảm nhẹ so với vài ngày trước nhưng vẫn ở mức rất cao so hồi đầu năm.

Theo một số NH thương mại, động thái tăng lãi suất tiền gửi ở cả kỳ hạn dài và ngắn phục vụ nhu cầu điều chỉnh nguồn vốn đầu vào của từng NH. Một số NH tăng lãi suất nhằm thu hút thêm nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, nhất là sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán chứ không phải do căng thẳng thanh khoản.

Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM phân tích giai đoạn cuối năm 2016, các NH đồng loạt đẩy mạnh tín dụng với mức tăng trưởng khá cao nên đầu năm 2017 phải tăng lãi suất để thu hút nguồn vốn bù đắp. Đồng thời, năm nay Tết đến sớm nên thời điểm này, các NH cũng đã bắt đầu bung tín dụng ra cho vay, tìm kiếm khách hàng mới nên tăng lãi suất, áp dụng các chương trình khuyến mãi để tăng nguồn vốn huy động cũng là dễ hiểu.

Với những NH điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài nhằm cân đối lại nguồn vốn để đáp ứng quy định của NH Nhà nước trong Thông tư 06 về thay đổi tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn xuống còn 50% thay vì 60% của năm ngoái.

Lãi vay khó tăng mạnh

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết tiền gửi vào hệ thống NH đang tăng khá, thanh khoản của nhiều NH dồi dào và việc tăng lãi suất huy động có thể do một số NH cân đối lại nguồn vốn chứ không phải vì thanh khoản. Trước đó, đại diện NH Nhà nước cũng khẳng định việc một số NH cổ phần tăng lãi suất huy động không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường và chỉ diễn ra ở một số NH.

Về ý kiến sức ép tăng lãi suất liên quan đến tỉ giá có nhích lên trong những ngày qua, lãnh đạo một NH cổ phần ở TP HCM khẳng định tỉ giá đang bị chi phối với yếu tố tâm lý khá lớn trước những biến động của giá USD trên thị trường quốc tế. “Riêng với thị trường trong nước, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thời điểm này cũng không quá cao. Chúng tôi theo dõi và thấy cung cầu ngoại tệ không quá căng thẳng, dự trữ ngoại hối hiện ở mức cao và NH Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp được. Cái khó của tỉ giá hiện nay là yếu tố tâm lý từ thị trường và người dân rất lớn, nhất là khi người dân vẫn nắm giữ ngoại tệ nhiều” - vị lãnh đạo NH này phân tích.

Tỉ giá tăng có gây sức ép lên lãi suất? Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp ổ định giá trị VNĐ và giữ tiền trong hệ thống NH khi đồng USD tăng giá. Trong xu hướng này, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo làm ảnh hưởng đến chi phí tài chính. Tuy nhiên, lãnh đạo một số NH lý giải lãi suất cho vay có những thời điểm biến động nhưng sẽ không tăng quá mạnh bởi chủ trương của Chính phủ và NH Nhà nước là ổn định và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thậm chí, một số NH phải bớt lợi nhuận để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nên lãi suất cho vay sẽ khó có biến động mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Anh (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN