Sếp Samsung VN: DN Việt đừng tham vọng vào ngay chuỗi cung ứng Samsung cấp 1

Sự kiện: Kinh Doanh

Sản phẩm của Samsung hiện nay được xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Tất cả các linh kiện mà Samsung nhập thì cần sự tin tưởng và chất lượng vô cùng cao. Để doanh nghiệp nội địa có thể đáp ứng được là một bài toán không hề đơn giản.

Chia sẻ tại Hội thảo "30 năm lan tỏa vốn FDI", Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Bang Hyun Woo cho biết câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất là làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung.

Thực tế, theo ông Bang Hyun Woo, một doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung là một điều vô cùng khó khăn.

Sếp Samsung VN: DN Việt đừng tham vọng vào ngay chuỗi cung ứng Samsung cấp 1 - 1

Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Bang Hyun Woo

“Các sản phẩm của Samsung đang được xuất khẩu đi toàn cầu và những linh kiện mà chúng tôi sử dụng đòi hỏi phải rất tin tưởng, liên quan đến chất lượng vô cùng cao. Nói là doanh nghiệp Việt Nam ngay bây giờ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này vô cùng nan giải. Không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng có thể đáp ứng”, Phó Tổng Giám đốc Samsung cho biết.

Theo ông Bang, doanh nghiệp nội địa Việt Nam đừng tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với vai trò là nhà cung cấp cấp 1 trước. Chuỗi cung ứng của Samsung còn có cấp 2, cấp 3 cung cấp sản phẩm gián tiếp, các doanh nghiệp Việt có thể tham gia từ đây. Doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung cấp cấp 1 khi tích lũy đủ kinh nghiệm.

“Làm thế nào rà soát lại và lựa chọn các doanh có năng lực và tiềm năng như vậy sẽ là đề án rất hay”, ông Bang nói. Hiện Samsung vẫn phải tự đi tìm những doanh nghiệp tiềm năng tham gia vào chuỗi.

“Chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi. Hy vọng họ có thể vượt qua các điều kiện về vốn, quy mô để đạt được các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung”, ông nói.

Dù vậy, theo chia sẻ của vị Phó TGĐ Samsung, quan hệ hợp tác giữa Samsung và các doanh nghiệp Việt Nam đang tốt lên. Ba năm trước, chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 1 của Samsung. Tính đến 6 tháng đầu năm 2017 con số này đã tăng lên 25 doanh nghiệp, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ là 29 doanh nghiệp và đến năm 2020 sẽ là 50 doanh nghiệp.

Đại diện Samsung cũng kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương quan tâm đến một số trở ngại khi giao dịch. Với nhiều nơi, Việt Nam chưa đc công nhận là nền kinh tế thị trường, do đó quá trình có những giao dịch với nước ngoài không tránh khỏi mất ưu thế riêng của mình.

“Hi vọng nền kinh tế thị trường của Việt Nam sớm được nhiều nước công nhận. Khi cải thiện các điều kiện liên quan giao dịch thì tôi tin tưởng sản phẩm “made in Việt Nam” hoàn toàn có vị thế cao trên thị trường thế giới”, ông Bang nhận định.

Đồng tình với ví dụ thực tiễn mà đại diện Samsung chia sẻ, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói, tác động lan tỏa của FDI tỷ lệ thuận với độ lớn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ gần như không nhận được hiệu quả lan tỏa từ FDI, chỉ có doanh nghiệp vừa và lớn có cơ hội.

“Như vậy có một hàm ý chính sách cần doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên. Không thể nhỏ mãi được, như vậy sẽ cản trở tiếp thu công nghệ và tác động của FDI”, TS Tuệ Anh nhận định.

GS Nguyễn Mại cũng lưu ý Chính phủ về tác động lan toả của FDI, chính sách với các doanh nghiệp trong nước làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông cho biết từng có đề xuất những xí nghiệp trong nước làm việc với doanh nghiệp nước ngoài cũng nên được ưu đãi.

Ngoài ra, ông cho rằng cần phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Từ đầu năm tới nay có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô rất nhỏ mà vẫn được cấp phép trong khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng đảm đương được. Ông cho rằng nên ưu tiên các dự án FDI lớn đủ tác động lan tỏa.

Doanh nghiệp sẽ được bán BĐS để bù lỗ sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp sẽ được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh (Infonet.vn)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN