Sếp Petrolimex nói gì việc PGBank được “gả” về VietinBank?
Chủ tịch Petrolimex tiết lộ, quá trình “tìm hiểu” lẫn nhau giữa PGBank và VietinBank đã diễn ra từ lâu. Sau sáp nhập những điểm mạnh của PGBank lâu nay sẽ được “bồi bổ” thêm và mạnh hơn nữa.
Chia sẻ này được ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra sau "cái kết có hậu" của cuộc "hôn nhân" giữa PGBank và VietinBank.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, quá trình “tìm hiểu” giữa PGBank và VietinBank đã diễn ra từ lâu. Chỉ có điều, với đề xuất mô hình sáp nhập ban đầu mà PGBank đưa ra còn quá mới mẻ (mô hình ngân hàng trong ngân hàng –PV), chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Vì thế, ở thời điểm đưa ra đề xuất này, cả 2 đã không nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý.
“Nhưng cuối cùng sau nhiều nỗ lực cuộc hôn nhân cũng đi đến cái kết có hậu. Và rất may là cả 2 ngân hàng đều hoạt động, tuân theo chuẩn mực quốc tế, nên hoàn toàn không gặp phải trở ngại trong quá trình thương lượng” – ông tiết lộ.
PGBank sẽ được "gả" về VietinBank trong quý 3/2015
Điều vị Chủ tịch Petrolimex – đại diện cho vốn sở hữu của cổ đông lớn nhất tại PGBank cảm thấy hài lòng, là khi PGBank được “gả” về cho VietinBank, ngân hàng sau sáp nhập sẽ thành lập Công ty Tài chính PG Finance để phát triển hơn nữa dịch vụ tài chính cho đối tượng khách hàng xăng dầu. Với hơn 6.600 cây xăng của Petrolimex “phủ” khắp toàn quốc thì đây là đối tượng khách hàng vô cùng lớn, tiềm năng.
“Chúng tôi quan niệm đây là chương trình tái cấu trúc cả về tài chính và tổ chức. Việc tái cấu trúc này sẽ đảm bảo đem lại lợi ích tốt nhất cho cả 2 ngân hàng. Những gì là thế mạnh lâu nay của PGBank sẽ được “bồi bổ” để mạnh hơn, vững hơn”- ông Bảo tự tin.
Sau quá trình sáp nhập, trụ sở, mạng lưới chi nhánh hiện tại của PGBank vẫn sẽ được giữ nguyên, nhưng không mang “dáng dấp” của một ngân hàng (bank), mà sẽ đổi thành một định chế tài chính (finance) khác.
“Rất mừng là kể cả sau sáp nhập, “bóng dáng” của Petrolimex vẫn còn, do ngân hàng sau sáp nhập sẽ thành lập Công ty PG Finance”- Chủ tịch Petrolimex thông tin thêm.
Đề cập tới “số phận” người lao động PGBank sau khi “về một nhà” với VietinBank, vị này thừa nhận, không tránh khỏi chuyện người lao động sẽ cảm thấy buồn. Nhưng nỗi buồn này mang tính tâm lý xã hội và cũng là rất thông thường.
“Khi họ đang làm tại một tổ chức độc lập, có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, nay sẽ bị nhập vào một tổ chức khác thì buồn là chuyện đương nhiên”- ông bày tỏ và nhấn mạnh, nhưng cuộc hôn nhân này lại mở ra cơ hội vô cùng lớn với người lao động PGBank.
“VietinBank là một ngân hàng lớn, môi trường làm việc năng động, nếu người lao động có khả năng và phát huy được lợi thế của mình thì đây lại là cơ hội lớn với họ” – Chủ tịch Petrolimex giãi bày.
Tại Đại hội cổ đông 2015 của VietinBank diễn ra ngày 14/4, lãnh đạo nhà băng này cho biết, ngân hàng sáp nhập sẽ xây dựng chính sách nhân sự mới phù hợp với môi trường làm việc lớn hơn về quy mô nhân sự và quy mô tài chính để đạt mục tiêu phát triển ngân hàng. Đồng thời, sẽ rà soát tổng thể nhân sự, phân công các lãnh đạo cấp trung và xử lý các vị trí nhân sự trùng lập, đào tạo nhân sự và chuyển giao văn hóa doanh nghiệp.
Riêng HĐQT và Ban Kiểm soát PGBank sẽ tiếp tục hoạt động tới thời điểm trước sáp nhập. Sau thời gian này, VietinBank sẽ xem xét năng lực nhân sự của PGBank để bố trí vị trí thích hợp.
Trong vòng 6 tháng kể từ ngày sáp nhập, ngân hàng sau sáp nhập bảo đảm việc làm cho toàn bộ người lao động của PGBank và các khoản thu nhập bao gồm lương, thưởng, lơi ích khác (nếu có) sẽ không thấp hơn mức bình quân hàng tháng mà người lao động nhận được trong vòng 6 tháng liền kề trước ngày sáp nhập.
Sau thời hạn nêu trên, trên cơ sở rà soát, đánh giá lại trình độ, năng lực của người lao động, ngân hàng sẽ thực hiện chi trả các khoản thu nhập cho người lao động của PGBank theo quy định tại các chính sách liên quan của ngân hàng nhận sáp nhập là Vietinbank.
Sau khi sáp nhập với PGBank, VietinBank sẽ trở thành ngân hàng lớn nhất nhì hệ thống với tổng tài sản tăng thêm 25.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên mức 40.000 tỷ đồng (tăng thêm 3.000 tỷ đồng so với hiện tại).