Sau Sabeco, thêm 64 ‘ông lớn’ ra thị trường

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngoài “người đẹp” Bia Sài Gòn, thời gian tới Nhà nước sẽ bán vốn ở rất nhiều doanh nghiệp khác có thương hiệu hấp dẫn.

Việc thoái vốn nhà nước thành công tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không chỉ mang về gần 5 tỉ USD cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra “cú hích” cho các đợt cổ phần hóa tiếp theo trong năm 2018.

Biết “chơi” theo quốc tế

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital - ông Don Lam cho hay các nghiên cứu từ đơn vị này cho thấy việc bán vốn nhà nước đạt giá tối ưu nếu nhà đầu tư thấy rằng “ông chủ” Nhà nước có lộ trình thoái vốn trong thời hạn rõ ràng và giảm dần vai trò chi phối tại doanh nghiệp (DN), nhường sân chơi cho các đối tác khác.

Nhìn ở góc độ này, Sabeco và Vinamilk đã hưởng lợi từ sự thay đổi về chất rất quan trọng khi Chính phủ đã công khai danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, tỉ lệ cổ phần hóa từng DN, từng năm để nhà đầu tư và thị trường xem xét lựa chọn, tham gia.

Riêng với Vinamilk, Nhà nước đã biết chơi theo cách chơi của giới tài chính quốc tế. Một loạt thay đổi tích cực trước cuộc chào bán đã cho thấy điều này, như nới lỏng rất nhiều điều kiện chào bán mà đã từng trói chân các nhà đầu tư nước ngoài trong đợt thoái vốn nhà nước đầu tiên tại Vinamilk.

Chẳng hạn, các nhà đầu tư nước ngoài không cư trú sẽ được đặt cọc, ký quỹ 10% giá trị giao dịch theo giá khởi điểm bằng USD và việc ký quỹ được thực hiện tại các ngân hàng được phép. Việc nộp mã giao dịch và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được chậm thực hiện đến ngày thanh toán, thay vì bắt buộc ngay tại thời điểm đăng ký như lần trước.

Sau Sabeco, thêm 64 ‘ông lớn’ ra thị trường - 1

Việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco mang về gần 5 tỉ USD được xem là thành công nhất năm 2017. Ảnh: HTD

Đối với Sabeco, quan điểm của Nhà nước cũng hết sức minh bạch rằng: Bất kỳ nhà đầu tư hợp pháp nào có đủ điều kiện mua theo các nguyên tắc đã được đề cập trong quy chế đấu giá đều được Nhà nước tạo điều kiện tham gia mua phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều này cho thấy một khi cuộc chơi tuân theo sự thượng tôn luật pháp sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ tài sản để đầu tư, góp vốn và tăng giá trị cho công ty nắm quyền sở hữu.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cũng cho rằng các yếu tố giúp Nhà nước thoái vốn thành công chính là các hoạt động đã chuyên nghiệp hơn, nắm bắt đúng “khẩu vị” nhà đầu tư quốc tế, bán đúng thời điểm, cùng với đó là các hỗ trợ khung pháp lý đã tốt hơn.

Thành công vì nhà đầu tư có niềm tin

DN mà có niềm tin thì sẽ phát triển. Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy có niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Liệu còn hanh thông?

Những khoản thu “khủng” cho ngân sách nhà nước từ việc thoái vốn nếu nhìn chi tiết hơn, hoàn toàn do con “bò sữa” Vinamilk và bia Sabeco mang lại. Đây là những hàng hóa có chất lượng tốt, với thị phần lớn, doanh thu và lợi nhuận tốt nên việc bán được giá không có gì lạ.

Ngay chính SCIC cũng thừa nhận 20.000 tỉ đồng do bán cổ phần Vinamilk đem lại và thêm 110.000 tỉ đồng từ Sabeco đã giúp Nhà nước vượt mục tiêu thoái vốn là 60.000 tỉ đồng được đặt ra cho năm 2017.

Tuy nhiên, không phải bán vốn nhà nước ở bất kỳ DN nào cũng thuận lợi. Ví dụ trong tháng 12-2017, phiên bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex) được dự kiến là “bom tấn” khi đơn vị chào bán hơn 311 triệu cổ phiếu, thu về gần 10.000 tỉ đồng nhưng cuối cùng các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 6% khối lượng cổ phiếu chào bán.

Do vậy theo các chuyên gia, không nên nghĩ rằng thương vụ Sabeco hay Vinamilk sẽ thúc đẩy các đợt thoái vốn nhà nước tại các công ty khác một cách tích cực. Để thoái vốn thành công, quan trọng phía “chủ nhà” phải biết đưa một câu chuyện hấp dẫn (nhân lực, nguồn lực đất đai, tiềm năng, Nhà nước chịu “nhường” cổ phần…). Nơi nào càng có nhiều câu chuyện thì dòng tiền sẽ kéo đến.

Mặt khác, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, đánh giá việc thoái vốn nhà nước vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Chẳng hạn lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm rất khó khăn vì sử dụng nhiều phương pháp khác nhau nên dẫn đến chênh lệch giữa các mức giá. Và để an toàn, SCIC thường chọn mức giá cao nhất để chào bán và tất nhiên, nhiều lúc giá bất hợp lý, khó phù hợp với quan điểm của nhà đầu tư.

“Rồi việc xác định giá trị đất của DN thoái vốn không dễ dàng, đưa giá đất vào tính giá trị DN khiến giá cổ phiếu cao quá thì không ai mua nhưng thấp quá thì dễ bị vướng vào việc làm thất thoát tài sản nhà nước. Chưa kể, DN nào còn nợ Nhà nước thì không được thoái vốn. Trong khi SCIC muốn bán sớm để giảm nợ, thoát lỗ nhưng vì quy định này nên phải dừng lại chuyện bán hàng” - ông Lai chia sẻ.

Tán đồng với quan điểm này, các chuyên gia cho rằng để thoái vốn đạt hiệu quả tối ưu cần chú ý thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có lợi cho sự phát triển lâu dài của DN, thương hiệu. Hơn nữa, với những vụ thoái vốn khủng, ngân sách sẽ có thêm khoản thu lớn song không nên thoái vốn bằng mọi giá để có tiền theo kiểu bán dần tài sản trong nhà để tiêu mà nhằm giúp nền kinh tế vận hành tốt hơn.

Nếu bán vốn không minh bạch, đồng tiền thu về đầu tư không hiệu quả thì rốt cuộc một chủ trương hay có thể sẽ lại trở thành miếng mồi ngon béo bở cho các nhóm lợi ích thu lợi.

Sẽ cổ phần hóa thêm 64 “ông lớn”

Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho rằng Chính phủ đang rất quyết liệt trong câu chuyện thoái vốn nhà nước. Sau thương vụ bán cổ phần Sabeco, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 DN trong năm 2018, trong đó có nhiều DN lớn như Tổng Công ty Giấy Việt Nam, MobiFone và nhiều DN lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện…

Ngay trong quý I-2018, Nhà nước sẽ tiếp tục cổ phần hóa một số DN quy mô lớn như Tập đoàn Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil… với quy mô tổng cộng có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng.

“Như vậy Nhà nước đã phát tín hiệu sẽ thoái vốn ra khỏi các DN nhà nước làm ăn tốt để cho thấy Việt Nam đã cởi mở, thông thoáng hơn, quyết tâm cải cách DN, tạo ra sân chơi minh bạch hơn. Và tất yếu không có lý do gì để dòng vốn nước ngoài không đổ vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận” - ông Dũng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Minh (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN