Rủi ro bủa vây nhà đầu tư tiền ảo

Trước đà tăng giá chóng mặt của đồng tiền kỹ thuật số bitcoin, thị trường tiền ảo ngày càng hút được nhiều nhà đầu tư tham gia mong kiếm lợi nhuận.

Sáng 4-12 theo giờ Việt Nam, đồng tiền kỹ thuật số đình đám nhất là bitcoin đã áp sát ngưỡng 12 nghìn USD, bất chấp đà giảm tới 20% trong tuần trước. 

Cụ thể, dữ liệu trên trang web tiền ảo Coindesk.com cho thấy, giá bitcoin có thời điểm đã vượt 11.830 USD, cao chưa từng có trong lịch sử, tăng khoảng 9% so với hôm Chủ nhật. So với mức đáy hơn 9.000 USD thiết lập vào thứ năm tuần trước, giá bitcoin đã tăng gần 3.000 USD, tương đương tăng trên 30%.

Rủi ro bủa vây nhà đầu tư tiền ảo - 1

Giá bitcoin đã áp sát ngưỡng 12.000 USD.

Sự phi mã của bitcoin trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư vào tiền ảo không hề “ngon ăn”. Tham gia tiền ảo, có nhiều cách chơi, nhưng xem ra cách nào rủi ro cũng vây bủa nhà đầu tư.

Đầu tiên, khi lựa chọn 1 đồng tiền ảo nào đó, người chơi sẽ đứng trước ma trận với hàng nghìn loại, mà đồng nào cũng lấp lánh với cụm từ mỹ miều “đồng tiền của tương lai”.

Nếu “dày vốn, to gan” thì chọn đồng bitcoin- đồng tiền làm mưa làm gió trên thị trường. Tuy nhiên, với mức giá không tưởng- gần 12.000 USD (hơn 270 triệu đồng) cho 1 đồng tiền số, thì người chơi phải có tiềm lực kinh tế cực mạnh.

Biến động tăng dựng ngược nhưng rơi cũng thẳng đứng, nhà đầu tư đặt cược vào bitcoin chẳng khác gì đánh bạc. Đây là chưa kể việc mở tài khoản, phí giao dịch, phí chuyển đổi ngoai tệ cũng như chênh lệch mua bán cũng “cấu” vào túi tiền nhà đầu tư không ít.

Muốn không mất phí cho “môi giới”, lại “ăn” được từ gốc thì mua máy “đào”, nhưng với sự khan hiếm, cũng như vốn đầu tư máy móc lớn, đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật về công nghệ thông tin để vận hành máy… nên không phải ai cũng đào được.

Có vẻ bitcoin nằm ngoài tầm với của nhiều người, nên các đồng tiền ảo khác, hoặc đồng “con” của bitcoin như bitconnect, bitcoincash, litecoin, onecoin… cũng được xem là 1 lựa chọn. Tuy nhiên, những đồng tiền không mạnh thì cũng đồng nghĩa với khả năng sinh lời không lớn. Bên cạnh đó, không có điều gì đảm bảo tính pháp lý cho các đồng tiền ảo, nên việc làm giá của “cá mập” là điều rất dễ xảy ra, cùng với nguy cơ mất tài khoản lúc nào cũng thường trực.

Có 2 cách đầu tư. Thứ nhất là trading - mua như một món hàng, đợi giá lên để bán. Đầu tư cách này, lời ăn lỗ chịu, nhưng rủi ro là giá các đồng tiền này rất bấp bênh, tăng nhỏ giọt, nguy cơ mất tài khoản, “sập sàn” hiện hữu.

Cách thứ 2 là lending - đầu tư theo kiểu đa cấp, cách này nhìn thì khá “ngon ăn” vì “siêu lãi suất” lên tới 30%/tháng, tức chỉ sau hơn 3 tháng, tài sản sẽ nhân đôi. Song, nhà đầu tư bị ràng buộc thời hạn rút vốn từ 6 tháng - 1 năm tùy theo gói đầu tư lớn nhỏ. Trong thời hạn đó, nếu xảy ra “sập sàn”, thì coi như mất trắng.

 Còn việc tài khoản bỗng dưng bị mất, chuyển tiền mua hàng nhưng không mua được, hay bán được hàng nhưng tiền không về là “chuyện thường ngày ở huyện”. Mất tiền ráng chịu, không được kêu ca cũng không biết kiện cáo ai.

Một hình thức đầu tư khác cũng đang được mời chào rầm rộ và nhiều người tham gia là ICO. Gần giống với IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), ICO là hình thức phát hành tiền ảo lần đầu để huy động vốn của các start-up công nghệ.

Lợi thế của cách đầu tư này là vốn bỏ ra ít (giá phát hành ban đầu thường chỉ dưới 1 USD) và tiềm năng sinh lời cao, nên “kéo” được khá nhiều nhà đầu tư rót vốn. BitBase (mã BTB) là 1 ví dụ.

trang web của công ty, lộ trình lên sàn rất rõ ràng (ngày 1-11-2017), lợi nhuận 7 - 11%/ngày. Thực tế, giá token BTB cũng tăng gấp 3 từ 0,3 USD lên 1 USD/token chỉ trong vòng vài tuần chào bán. Thế nhưng, ngay sau khi lên sàn được vài ngày, BTB đã bị đánh sập. Lý do được phía công ty thông báo là bị tấn công. Hậu quả là toàn bộ số tiền của những nhà đầu tư ném vào đây đều mất trắng. Ngoài ra có thể kể đến những ICO khác như Bancor, Confido…

Ngay sau khi phát hành tiền ảo để gọi vốn thành công, thu về hàng trăm triệu USD, các start-up này lập tức biến mất, chỉ có những nhà đầu tư nhẹ dạ chịu trận. Được biết, hiện trên sàn coinmarketcap, có hơn 1.000 đồng tiền ảo đang giao dịch, với số vốn các start-up đã huy động hàng tỷ USD. Tuy nhiên, gian lận của các thương vụ ICO nhiều đến mức hàng loạt cơ quan chức năng của Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc… đã lên tiếng cảnh báo.

Đại diện Kyber Network - một start-up phát hành tiền ảo có CEO là người Việt - khuyến cáo: “Có tới 90% đồng tiền ảo trên thị trường không có giá trị thực mà được sinh ra với mục đích lừa đảo. Chính vì vậy, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ các công ty phát hành tiền ảo trước khi rót vốn”.

Trao đổi với Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư cho hay, hiện ở Việt Nam có nhiều trang web mua bán tiền ảo, nhưng đặt máy chủ ở nước ngoài. Hoạt động mua bán tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin, nên luôn hiện hữu nguy cơ mất an toàn dữ liệu.

“Nếu xảy ra sự cố bị hacker tấn công mạng hoặc mạng bị đóng cửa, thì người tham gia sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra, những thông tin về giao dịch có thể được lưu giữ lại, do đó dẫn đến nguy cơ mất tính riêng tư của giao dịch”, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Thúy (CAND)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN