Quên nỗi đau thua lỗ: TTCK hưng phấn sớm
Cho dù nền tảng kinh tế chưa tốt và sự ám ảnh của những cú ngã đau chưa phai nhạt nhưng dòng tiền dẫn lối đã giúp sự hưng phấn trở lại với TTCK.
Kỳ vọng “ăn” nghìn %
Ngày 31/5, chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch đi lên. VNIndex tiếp tục tăng lên mức 521,45 và lượng tiền đổ vào thi trường tăng lên mức 2526,35 tỷ đồng. Như vậy, chứng khoán đã đạt đỉnh mới trong nhiều năm qua.
Đà tăng điểm của VN Index đã được duy trì liên tục. Trong phiên giao dịch ngày 29/5, với gần 2.500 tỷ đồng được đổ vào thị trường, tương đương gần 200 triệu cổ phiếu trao tay, những nghi ngờ về một cuộc tháo lui đã chấm dứt.
Còn trong phiên ngày 30/5, dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ từ các mã bluechips đã tăng mạnh sang các cổ phiếu midcap chưa tăng và các mã đầu cơ thị giá thấp cũng minh chứng một thực tế là dòng tiền rất mạnh, tiền đang rình để mua chứng khoán.
Giải thích cho áp lực bán ra trong vài phiên gần đây, đa số các nhà đầu tư cho rằng, TTCK điều chỉnh là cần thiết. Trong thời gian gần đây, nhiều NĐT đã có lời từ 15-20%, chốt lời là một việc làm đúng đắn.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường. Có lẽ trong thời buổi khó khăn tiền có eo hẹp hơn so với lúc “thịnh vượng” nhưng không hề ít. Dòng tiền gần đây không biết chảy vào đâu, khả năng tìm kiếm cơ hội ở các kênh đầu tư khác rất thấp.
Chứng khoán, dòng tiền, cảnh báo, bơm tiền, nới lỏng, chính sách
Dòng tiền chốt lời chưa hẳn đã ra khỏi thị trường, vẫn còn nằm trong tài khoản, chỉ chờ cơ hội để mua rẻ hơn, thậm chí dùng tiền để “đảo” trong ngày ăn chênh lệch nhờ vào những biến động khá khó lường và không theo một kịch bản.
Không những thế, sức hấp dẫn của khả năng kiếm vài chục phần trăm trong vài ngày và “ăn bằng lần”, “ăn cả nghìn phần trăm”… trong năm tới đã khiến một dòng tiền mới từ các lĩnh vực khác cũng như tiền cũ “ẩn nấp” trong thị trường xuất hiện trở lại.
Bên cạnh đó, dòng tiền có thể còn được tiếp sức bởi các chính sách hỗ trợ, kích thích… mà được nhiều nhà đầu tư gọi chung là chính sách “nới lỏng”, hay “bơm tiền” vừa được đồng loạt tung ra.
Một điểm cũng rất đáng chú ý là TTCK hồi phục trong thời gian gần đây phần lớn là nhờ công của các mã “cơ bản”. Trận địa được mở ra, kèm theo đó là hàng loạt tín hiệu tốt, thông tin hỗ trợ đến từ các chính sách, đã khiến kỳ vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp thua lỗ, làm ăn bê bết trong vài năm gần đây là rất lớn.
Dòng tiền hưng phấn
Nhìn vào biến động của thị trường trong những phiên cuối tháng 5 có thể thấy dòng tiền đang có dấu hiệu hưng phấn trở lại. Trái ngược với tình trạng âm thầm mua gom các cổ phiếu tốt của khối tự doanh, của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn…, dòng tiền đang đổ vào thị trường một cách ồ ạt và trên diện rộng.
Nếu như trước kia, khi thị trường đang giảm sâu, tiền chảy vào một cách khá từ từ, vào một số mã chọn lọc như REE, PPC, HSG, STB… thì giờ đây tiền đang sốt ruột, sợ mất cơ hội, chảy vào gần như tất cả các mã.
Hiện tượng tăng bốc đầu của hàng loạt các cổ phiếu đầu cơ có thị giá thấp gần đây như trường hợp hàng triệu, thậm chí chục triệu cổ phiếu ITA, PVX, KBC, KLS, ASM… được giao dịch mỗi phiên và tăng trần đang cho thấy điều này.
Theo đánh giá của không ít nhà đầu tư, cổ phiếu ITA, KBC của đại gia Đặng Thành Tâm - những cổ phiếu một thời từng giảm sàn hàng chục phiên và những cổ phiếu từng được coi là trụ cột nhưng lỗ nặng như PVX, SCR… có thể sẽ tăng điên cuồng trong thời gian tới.
Điều mà nhiều người quan tâm là ở chỗ, các cổ phiếu này hiện đang có giá “rẻ mạt”, vài ba nghìn đồng, thấp hơn rất rất nhiều so với trước đây. Giá cổ phiếu rẻ là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nhiều, lãi cao, tồn kho không bán được hàng… Nhưng rất có thể thời gian tới, mọi việc sẽ khác khi mà lãi suất vay giảm mạnh, trong khi doanh thu có thể sẽ tăng đột biến trở lại.
Không những thế, khi lãi suất giảm và dòng tiền vào TTCK mạnh mẽ, cổ phiếu vẫn có thể tăng mạnh bất chấp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp không được cải thiện.
Trên thực tế, kỳ vọng luôn tồn tại. Niềm tin vào sự phát triển của TTCK, sự hồi phục của nền kinh tế trong tương lai là có. Tuy nhiên, niềm tin nhiều khi bị khuếch đại nhờ tâm lý bầy đàn, đôi khi thái quá và sự kỳ vọng đôi khi xa vời, ảo tưởng.
Gần đây, có chuyên gia kinh tế cho rằng, những dự báo về khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời hơn. Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới ở giai đoạn đầu, còn rất nhiều khó khăn vướng mắc chưa có giải pháp như vấn đề hiệu quả của khối DNNN, tập đoàn; hiệu quả của đầu tư công; hiệu quả của công cuộc giải phẫu cắt bỏ cục nợ xấu của hệ thống ngân hàng…
Nói như vậy không có nghĩa là tương lai của nền kinh tế u ám. Các chỉ số vĩ mô gần đây cho thấy bức tranh kinh tế đã có nhiều điểm sáng, từ lạm phát, cho tới dự trữ ngoại hối, tỷ giá, xuất nhập khẩu… Khối ngoại cũng đang đổ tiền vào để mua cổ phiếu Việt Nam.
Tuy nhiên, xét toàn cục, nền kinh tế đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi hướng phát triển, từ chiều rộng sang chiều sâu hơn. Và cái khó khăn lớn nhất có lẽ là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp nội quá thấp và chưa có hướng cải thiện. Hiện tượng các ông lớn ngoại đổ tiền vào mua cổ phiếu có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng dòng tiền đang thiếu cửa sinh lời và một phần là chiến lược thâu tóm một số doanh nghiệp tốt nhằm nắm thị trường trong nước.