Petrolimex lý giải chuyện lỗ hơn 1.000 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Xuân Chài, Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Petrolimex, sở dĩ Petrolimex bị lỗ hơn 1.000 tỉ đồng trong quý 4.2014 là do 3 nguyên nhân khách quan, trong đó có nguyên nhân giá xăng dầu thế giới giảm liên tục.
Ngay sau khi Tập đoàn Petrolimex thông báo lỗ hơn 1.145 tỉ đồng trong quý 4.2014 vào ngày 14.2.2015 đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là điều bất hợp lý, vì Petrolimex được chủ động điều chỉnh giá ở một biên độ nhất định mà còn kêu lỗ thì các doanh nghiệp xăng dầu khác sẽ ra sao?
Tập đoàn Petrolimex thông báo lỗ hơn 1.145 tỉ đồng trong quý 4.2014 .(Ảnh minh họa)
Lý giải điều này vào ngày 26.2, ông Nguyễn Xuân Chài, Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Petrolimex đã đưa ra 3 lý do về con số lỗ hơn 1.145 tỉ đồng.
Theo đó, nguyên nhân thứ nhất mà ông Chài đưa ra là Quý 4.2014 giá xăng dầu thế giới giảm liên tục với biên độ lớn. Sự biến động này nằm ngoài các dự báo của Chính phủ cũng như các chuyên gia kinh tế.
Thứ hai, công thức tính giá cơ sở để xác định giá bán tại Việt Nam chỉ được tính bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho bắt buộc 30 ngày.
Thứ ba, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và việc trích lập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh liên kết theo các quy định hiện hành. Con số 1.145 tỷ đồng là số lỗ của riêng quý 4.2014. Và, do vậy, khi hợp nhất số liệu cả năm 2014 vì thế mà hiệu quả sản xuất - kinh doanh của năm 2014 cũng bị giảm đi tương ứng.
Bên cạnh đó, ông Chài cũng đã cung cấp thêm một số thông tin về việc tồn kho 30 ngày là để bảo đảm an ninh năng lượng theo quy định. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp đầu mối (bao gồm có 19 doanh nghiệp được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu hiện nay) bắt buộc phải thực hiện.
Mặc khác, ông Chài cũng chỉ rõ, để xăng dầu tại Việt Nam tiệm cận với diễn biến giá xăng dầu của thị trường thế giới, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 đã xác lập công thức tính theo bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho 30 ngày; chính vì vậy, khi xăng dầu thế giới giảm sâu như quý 4.2014 vừa qua chênh lệch lớn giữa giá cơ sở và giá bán dẫn tới doanh nghiệp bị lỗ.
Cảm thông với con số lỗ tương đối lớn của Petrolimex, song trả lời trên báo Đất Việt,chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để đo lường ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới làm Petrolimex thua lỗ đến mức nào thì phải có các thông số, kết quả phân tích sâu vào báo cáo tài chính của Petrolimex.
Tuy nhiên trên thực tế, các chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan không được tiếp cận các thông tin này để có thể phân tích điều Petrolimex đưa ra xác đáng đến đâu.
"Chắc chắn là hiệu quả kinh doanh của Petrolimex sẽ thấp đi nhưng có đến mức thua lỗ hay không, bao nhiêu phần trăm lỗ của tập đoàn do giá xăng dầu thế giới giảm hay do biên độ 30 ngày dự trữ và 15 ngày điều chỉnh giá một lần... thì cần phải phân tích kỹ các thông số mới biết được", bà Lan nhấn mạnh.
Có một điều khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn là, Nghị định 83 quy định thời gian như vậy và Petrolimex được quyền tăng giá theo biên độ nhất định tại sao trước đây họ không kêu? Giờ đến khi giá thế giới giảm, ảnh hưởng đến tập đoàn thì họ mới kêu?
"Đó là điều không hợp lý! Những chính sách nào có lợi cho Petrolimex thì họ không nói gì, nhưng đến lúc nào đó có một chút có thể gây thiệt hại cho tập đoàn thì họ kêu ời ời rằng cơ chế đó là không hợp lý", bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc Petrolimex, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất báo lỗ là một điều đáng quan ngại.
"Petrolimex với vị thế thống lĩnh thị trường còn bị lỗ thế, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp xăng dầu khác hoạt động theo điều kiện tương tự của Petrolimex có bị lỗ hay không, mức độ lỗ có tương đương với quy mô thị trường của họ hay không".
Điều gây ngạc nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, đó là Petrolimex được chủ động điều chỉnh giá ở một biên độ nhất định mà giờ tập đoàn này kêu lỗ. Do đó, cần hỏi lại lý do Petrolimex lỗ và nên có kiểm toán độc lập xem xét việc báo lỗ của Petrolimex.