‘Ở địa phương cán bộ... đi chơi quá nhiều!'
Đó là phát biểu của một đại biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra sáng nay, 17-5.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho rằng cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với DN.
“Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều, tránh mua quan, bán chức để chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Đệ nói.
Ông Đệ cũng kiến nghị Chính phủ không cho phép “xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viên công”, “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa”; phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư; thống nhất quy trình khám chữa bệnh giữa Bộ Y tế và BHXH; khám chữa bệnh cho người nghèo; sửa đổi quy định về thông tuyến khám chữa bệnh;...
Ông Đệ cũng kiến nghị thẳng thắn các nội dung về trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân cho rằng mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ.
Do đó, DN phải "đi đêm", "chung chi", theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. DN hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.
Từ phía DN, một bộ phận DN nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm…
Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật nhưng vì sự tồn tại của DN, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.
"Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân", ông Thân nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2017 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khẩn cấp hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất nền
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị các giải pháp xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường BĐS như: Giải pháp hạch toán bù trừ trong kinh doanh BĐS ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành; cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; sửa đổi luật đầu tư kinh doanh.
Ông Châu cũng đề nghị UBND TP.HCM có giải pháp khẩn cấp hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven TP.HCM; sửa luật kinh doanh BĐS tránh cò đất núp bóng doanh nghiệp kinh doanh, tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất.
Đồng thời sớm ban hành một số quyết định mới về xử lý vấn đề đất đai doanh nghiệp cổ phần hóa; bảo vệ quyền lợi của người mua nhà "ngay tình"...
“Tôi đã cam kết với ngài Bill Gate ủng hộ 5 triệu USD”
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, đại diện doanh nhân cựu chiến binh cho hay trong công tác từ thiện xã hội, chúng tôi may mắn được gặp tỉ phú Bill Gate và ngài Bill Gate có gợi ý muốn đầu tư một quỹ để ủng hộ quỹ người nghèo của Việt Nam và chăm sóc sức khỏe.
“Tôi đã mạnh dạn đề nghị ủng hộ và ký cam kết với ngài Bill Gate ủng hộ vào quỹ này 5 triệu USD. Ngài Bill Gate có đề nghị là nếu các doanh nhân Việt Nam đóng góp bao nhiêu thì ngài sẽ đóng góp bấy nhiêu, như vậy thì người nghèo Việt Nam sẽ có số tiền gấp đôi”, ông nói.
Ông Kiểm cũng rất mong các doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta trong cả nước sẽ hưởng ứng phong trào này để đóng góp cho quỹ của ngài Bill Gate sớm đi vào hoạt động và người nghèo Việt Nam có hàng ngàn tỉ đồng để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và bảo vệ cho người nghèo trên đất nước chúng ta.