Ở chung cư: Làm phiền người khác sẽ bị cắt điện

Căn hộ chung cư hư hỏng, làm ảnh hưởng đến người khác nhưng chủ căn hộ không sửa chữa có thể bị cúp điện, nước.

Đó là một trong những nội dung mới tại Thông tư 02/2016 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành, được Sở Xây dựng triển khai ngày 1-4. Thông tư 02 sẽ có hiệu lực từ hôm nay (2-4).

Chi quỹ bảo trì, cả ban quản trị phải đồng ý

Sở Xây dựng TP.HCM cho hay một trong những khiếu nại, tranh chấp căng thẳng tại các chung cư hiện nay là vấn đề sử dụng phí bảo trì được Thông tư 02 quy định chi tiết hơn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng), kinh phí bảo trì nhà chung cư do chủ các căn hộ đóng góp. “Nếu quỹ bảo trì trích từ 2% giá trị căn hộ của những người mua sử dụng hết thì họ phải tiếp tục đóng góp theo tỉ lệ” - ông Hải giải thích.

Cũng theo ông Hải, Thông tư 02 không quy định cụ thể số tiền ban quản trị (BQT) chung cư được chi nhưng có các quy định quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, BQT chung cư muốn quyết định chi kinh phí bảo trì cho nhà chung cư thì phải 100% thành viên BQT đồng ý. “Tuy nhiên, quy định này có thể gây ra vướng mắc vì thực tế nhiều trường hợp khó đạt được tỉ lệ trên. Nghĩa là trong BQT có một thành viên không đồng ý thì không thể thực hiện được. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, nếu quy định này thật sự gây vướng mắc thì Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ” - ông Hải nói thêm.

Thiếu cư dân vẫn tổ chức hội nghị nhà chung cư

Lâu nay nhiều chung cư không tổ chức được hội nghị nhà là không đủ số lượng tham dự. Đại diện chung cư Nguyễn Ngọc Phương (quận Bình Thạnh) cho hay chung cư ông có 340 căn hộ thì 250 căn đã cho thuê nên không bao giờ đáp ứng được yêu cầu về tỉ lệ 75%, 50%. Mỗi lần họp chỉ khoảng 60 người và đang họp thì nhiều người bỏ về.

Ở chung cư: Làm phiền người khác sẽ bị cắt điện - 1

Rạng sáng 1-4, lực lượng chức năng phải đến chung cư 584 (quận Tân Phú, TP.HCM) ổn định trật tự vì tranh chấp. Ảnh: CTV

Theo Sở Xây dựng, quy định mới về quản lý, sử dụng nhà chung cư đã tháo gỡ được vướng mắc này. Cụ thể, từ ngày 2-4, sau khi chung cư đưa vào sử dụng và có ít nhất 50% căn hộ nhận bàn giao thì trong vòng 12 tháng phải tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Điều kiện là phải có ít nhất 75% đại diện chủ căn hộ tham dự, không được thì lần thứ hai với tỉ lệ là 50%. Nếu lần hai vẫn không xong thì tổ chức lần ba, do chủ đầu tư đề nghị UBND phường, xã tổ chức.

Trước một số ý kiến cho rằng quy định mới tạo nhiều ưu thế cho chủ đầu tư tham gia vào BQT…, Sở Xây dựng cho hay việc chủ đầu tư bán căn hộ cho nhân viên và giới thiệu họ vào danh sách ứng cử viên BQT thì không có quy định cấm. Ngược lại, cư dân cũng có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm vào danh sách này và hội nghị nhà chung cư sẽ quyết định chọn ai. Tương tự, ở các chung cư mà chủ đầu tư còn nhiều căn hộ, có ưu thế trong biểu quyết cũng phải chịu vì lúc này họ cũng là chủ sở hữu như những cư dân khác.

Trị cư dân “làm phiền” hàng xóm

Theo Thông tư 02, ở các chung cư xảy ra hư hỏng thuộc sở hữu riêng, làm ảnh hưởng đến người khác thì chủ căn hộ phải sửa chữa. Nếu không, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư sẽ ngừng cung cấp điện, nước hoặc đề nghị các cơ quan cung cấp điện, nước tạm cúp điện, nước cho phần sở hữu riêng này.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho hay nội dung trên xuất phát từ kiến nghị của TP.HCM trước thực trạng có một số cư dân không đóng kinh phí bảo trì, không hợp tác và gây ảnh hưởng phần sở hữu chung hoặc căn hộ khác. Tuy nhiên, Thông tư 02 chưa quy định việc xử lý các chủ căn hộ không hư hỏng nên không hợp tác khi cần sửa chữa những căn hộ khác hoặc phần sở hữu chung do thiết kế.

“Ở một chung cư nọ, một số căn hộ bị thấm do lỗi ở khâu thiết kế. Muốn khắc phục phải kiểm định toàn bộ chung cư nhưng những người có nhà không bị thấm không đồng ý đóng góp kinh phí, không cho vào nhà kiểm tra. Vì vậy, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung biện pháp chế tài với những trường hợp này như chủ căn hộ bị hư hỏng nhưng không sửa chữa” - ông Hải nhấn mạnh.

Quy định cấm nói tục để biết đó là sai

Về quy định cấm nói tục, chửi thề tại chung cư theo Thông tư 02, ông Nguyễn Thanh Hải cho hay có những quy định mang tính chất định hướng, mong muốn dù thực hiện khó khả thi.

“Làm sao thu thập chứng cứ khi ai đó nói tục, chửi bậy, rồi trình tự thủ tục xử phạt thế nào? Tuy nhiên, cần có những quy định này để tất cả cư dân biết rằng đó là hành vi sai, người nào thực hiện là đang làm sai” - ông Hải bày tỏ.

Theo ông Hải, đối với những quy định như thế này cần sự tuyên truyền phổ biến của chính quyền địa phương với các cư dân thực hiện nếp sống văn minh công cộng, không làm ảnh hưởng đến người khác.

Thông tư chỉ hướng dẫn, không bắt buộc

Thông tư không được đưa ra những quy định cấm, chế tài cứng. Thông tư 02 cũng vậy, chỉ đưa ra các gợi ý để hội nghị nhà chung cư tham khảo.

Cụ thể, các điều cấm mà thông tư này đề cập chỉ là mẫu để hội nghị nhà chung cư tham khảo khi xây dựng nội quy chung cư.

Thực tế nhiều chung cư đã có các điều cấm như cấm gây ồn, cấm chửi, đánh nhau, vứt rác ra ngoài… Nhiều chung cư còn quy định vứt rác không đúng nơi đúng chỗ sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo, thậm chí bị phạt 100.000 đồng. Các quy định này đều do hội nghị nhà chung cư thảo luận, quyết định.

Bộ Xây dựng đang tập hợp những ý kiến phản hồi, nếu cần thiết chúng tôi sẽ có giải thích, hướng dẫn rõ để áp dụng.

Ông NGUYỄN TRỌNG NINH, Cục phó Cục Quản lý nhà và bất động sản

ĐẶNG TRUNG ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CẨM TÚ (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN