Nợ xấu sao lại thành vốn góp?
Việc xử lý nợ xấu ngân hàng đang tắc trăm bề. Dư luận ồn lên rằng có dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Trong khi đề xuất cho phép ngân hàng chuyển nợ xấu nhóm 5 thành vốn góp tại dự thảo thông tư về góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng lại không nhận được mấy sự đồng tình.
Xử lý nợ xấu bằng tiền hay bằng cơ chế? Ảnh: Hồng Vĩnh
Góp vốn bằng nợ xấu
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến hoàn thiện về Dự thảo thông tư hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu. Theo đó, tổ chức tín dụng được chuyển nợ xấu thành vốn góp, nhưng chỉ được áp dụng riêng với nợ xấu thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ bảo đảm an toàn trước và sau khi hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, trừ trường hợp đặc biệt khi các tổ chức tín dụng đang trong quá trình triển khai tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thống đốc.
Thông tin lập tức dấy lên sự ồn ào. Quan điểm chung đều cho rằng nhà băng không thể hô biến nợ xấu thành vốn góp, vì nếu không khéo, ngân hàng lại “biến” thành nhà đầu tư đa ngành với tay phải ngân hàng, tay trái giao thông, bất động sản hay doanh nghiệp sản xuất.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói: Nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn. Những doanh nghiệp có nợ nhóm này thường quản trị kém, kinh doanh không hiệu quả. Hơn nữa, để “nuôi” được những con nợ này đến lúc khỏe để trả nợ, ngân hàng sẽ phải bơm thêm tiền. Do đó, rủi ro sẽ lớn!
Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhắc lại rằng, đã có ngân hàng “ngậm trái đắng” khi lựa chọn cách chuyển nợ xấu thành vốn góp. “Khi các ngân hàng chuyển nợ xấu thành vốn cổ phần thì các ngân hàng đó phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tức là phải bơm thêm tiền. Tuy nhiên, 80% doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng này là không thể cứu vãn”, ông Hiếu nói.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc chuyển nợ thành vốn góp chỉ là giải pháp tạm thời, không nên lạm dụng và chỉ nên áp dụng với một số trường hợp. “Tuyệt đối không nên để các tập đoàn, doanh nghiệp đổi nợ thành vốn góp của các ngân hàng. Làm như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng, khiến sở hữu chéo ngày càng chằng chịt hơn”, TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Tại nợ xấu là của… chung?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN tỏ vẻ không vui khi dự thảo vừa ra đời đã vấp phải phản ứng của dư luận. Ông nói, đề xuất chỉ nhấn mạnh vào góp vốn nợ nhóm 5 (gồm: Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày; Các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý. Các khoản nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn trên 180 ngày theo thời hạn đã được cơ cấu lại).
“Theo dự thảo trên, các tổ chức tín dụng chỉ được hoán đổi loại nợ xấu xấu nhất, đã trích lập dự phòng rủi ro 100% theo quy định hiện hành, hoặc xử lý bằng dự phòng rủi ro, đã đưa ra ngoại bảng. Điều này hoàn toàn khác với hiểu nhầm rằng, cứ nợ xấu là có thể chuyển thành vốn góp”, vị này lưu ý.
Ông này cũng khẳng định một phần không nhỏ trong số nợ xấu đến từ nợ đọng xây dựng cơ bản (chính xác là Nhà nước nợ doanh nghiệp; doanh nghiệp lại nợ lại ngân hàng). Phần nhiều trong số đó còn là ngân hàng cho vay theo chỉ định, do đó không thể đổ nợ xấu hoàn toàn do ngân hàng. Tới đây, NHNN sẽ phân loại nợ cho rõ xem khoản nào do ngân hàng, khoản nào do nguyên nhân khác.
Theo ông Lê Quang Châu, Phó Tổng giám đốc VAMC, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã tập trung mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt với khối lượng lớn, góp phần tích cực giảm nhanh nợ xấu của toàn hệ thống. Đến 30/9/2016, VAMC đã thực hiện mua được 261.873 tỷ đồng dư nợ gốc của 15.462 khách hàng với giá mua nợ là 227.688 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 87% trên tổng dư nợ gốc. Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm.
Việc “gom” và nhốt vào rọ VAMC là giải pháp tình thế duy nhất để các ngân hàng có thể làm sạch bảng cân đối và tiếp tục rót vốn cho vay doanh nghiệp trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nợ xấu mua rồi xử lý tiếp làm sao lại khá… bế tắc.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc bỏ một khoản “tiền tươi, thóc thật” lên đến hàng chục ngàn tỷ cho mua nợ xấu là khó khả thi trong bối cảnh nợ công cao, ngân sách đang gặp khó. Còn đại diện VAMC cũng nói không xin tiền, chỉ xin cơ chế.
“Thời gian qua, chúng tôi luôn gặp khó trong thu hồi xử lý nợ xấu đã mua của ngân hàng và đã qua tòa xét xử. Nếu không có cơ chế rõ ràng thì chúng tôi không thể xử lý nợ được. Có những bản án có hiệu lực rồi, thi hành án cùng chúng tôi cũng quyết liệt vào cuộc nhưng con nợ cứ… chây ỳ, nhởn nhơ, thậm chí mời một lần, hai lần họ cũng không thèm đến; trong khi hễ cưỡng chế là lại kêu toáng lên”, ông Vũ Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC than thở.
Việc đổi nợ thành vốn góp đã từng xảy ra, như SHB đổi nợ của Bianfishco thành vốn góp và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này; còn VietinBank cuối năm 2014 xin ý kiến NHNN “biến” khoản nợ 5.000 tỷ đồng của Vinalines thành cổ phần tại một số cảng thành viên trực thuộc Vinalines. Cá biệt, cả hai trường hợp này, khả năng thu hồi nợ là khá khả quan. Tuy nhiên, vấn đề bản chất ở đây là những doanh nghiệp chỉ gặp bế tắc nhất thời về quản lý dòng tiền, hoặc tài sản thế chấp đều còn ổn. |