Nhộn nhịp ‘chợ’ đặc biệt mua bán tài sản bảo đảm

Việc người mua kẻ bán tìm được tiếng nói chung trong ngôi “chợ” đặc biệt này là không dễ dàng, nhất là đối với những tài sản có giá trị hàng trăm tỉ đồng trở lên.

Sau vụ dự án cao ốc Saigon One Tower với hơn 40 tầng tại TP.HCM bị thu giữ do chủ đầu tư nợ đến trên 7.000 tỉ đồng, nhiều dự án khác cũng bị xiết nợ. Thị trường mua bán nợ xấu đang nhộn nhịp, sôi động.

Ráo riết thu hồi, bán đấu giá

Mới đây, ngày 12-9, Ngân hàng (NH) Vietcombank Chi nhánh Thủ Đức, TP.HCM ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là miếng đất tọa lạc tại phường 5, TP Vũng Tàu với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỉ đồng.

Không đứng ngoài cuộc, nhiều NH khác cũng công bố kế hoạch thu giữ các tài sản đảm bảo. NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông báo đã thu giữ tài sản chủ yếu là căn hộ của sáu khách hàng trên địa bàn Hà Nội để chuẩn bị chào bán thông qua đấu giá. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân, tổ chức.

Đáng chú ý, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thuộc NH Agribank thông báo ngày 19-9 tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỉ đồng.

Dự án này được xây dựng trên khu đất hơn 1.100 m2 với quy mô bốn tầng hầm và 26 tầng cao, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.

Tương tự, NH Công thương Chi nhánh Hòa Bình ra thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ vay. Theo đó, ngày 20-9, NH này sẽ tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng 92 m2 đất ở và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ ngõ 282/25, tổ 25, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Nhộn nhịp ‘chợ’ đặc biệt mua bán tài sản bảo đảm - 1

Không có khách tham gia đấu giá, dự án V - Ikon nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh tiếp tục chịu đựng cảnh đắp chiếu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Hòa Bình, cho biết: Lý do thu giữ tài sản đảm bảo là do bên vay không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng và các cam kết tại hồ sơ vay vốn. Khoản vay này đã quá hạn trả nợ từ ngày 25-9-2012 và tính đến ngày 5-9-2017 dư nợ gốc là hơn 6,3 tỉ đồng, trong khi đó lãi và lãi phạt lên đến hơn 5,2 tỉ đồng.

Trong khi nhiều NH thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo, giới thiệu phiên bán đấu giá thì trung tâm xử lý nợ của NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng liên tục cập nhật danh sách tài sản cần thanh lý.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, từ ngày 29-8 đến nay trung tâm này đã cập nhật danh sách bao gồm 26 tài sản cần thanh lý. Trong hơn nửa tháng qua đã có hai tài sản được giao dịch thành công với tổng giá trị thanh lý đạt 24,5 tỉ đồng.

Khó bán vì tài sản lớn

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, khách hàng đang cần thanh lý gấp tài sản bảo đảm để xử lý khoản nợ vay quá hạn của mình tại Sacombank, cho biết căn nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh có diện tích sử dụng 612 m2 mà ông đem thế chấp hiện có giá 43 tỉ đồng.

Khoản vay của ông có dư nợ gốc là 2 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay do không có khả năng trả nợ bằng tiền mặt nên ông sẵn sàng hợp tác với NH để thanh lý tài sản.

Sắp có hướng dẫn cụ thể về xử lý nợ xấu

NH Nhà nước vừa được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của TCTD Việt Nam (VAMC). Việc ban hành thông tư này nhằm quy định chi tiết Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Hiện nay do chưa có hướng dẫn chi tiết nên việc triển khai chưa đồng bộ, còn gặp một số khó khăn.

“Tài sản bảo đảm có giá trị cao gấp nhiều lần so với khoản vay của tôi tại Sacombank. Tôi muốn bán càng nhanh càng tốt để trả hết nợ cho NH. Khó khăn lớn nhất là việc bán tài sản này không hề đơn giản vì giá trị nó quá lớn” - ông Tiến chia sẻ.

Thực tế cho thấy ngay sau ngày 15-8 vừa qua, thời điểm Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức được kích hoạt, hàng loạt NH đã ráo riết công bố thông tin bán đấu giá những khoản nợ xấu, chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, việc người mua kẻ bán tìm được tiếng nói chung trong ngôi “chợ” đặc biệt này là không dễ dàng, nhất là đối với những tài sản có giá trị hàng trăm tỉ đồng trở lên.

Đơn cử việc bán đấu giá dự án V-Ikon. Theo kế hoạch, Agribank AMC tổ chức phiên bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án này vào ngày 19-9 nhưng kế hoạch bị đổ bể vì không có khách hàng nào đăng ký tham gia đấu thầu.

Nhộn nhịp ‘chợ’ đặc biệt mua bán tài sản bảo đảm - 2

Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tọa lạc tại 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh

Làm sao để hấp dẫn người mua?

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc NH HDBank, cho biết hiện NH đã đưa ra quy trình để thực hiện thu hồi, xử lý nợ xấu và lên danh sách tất cả tài sản có thể thực hiện thu hồi theo Nghị quyết 42. Về nguyên tắc, sau khi thu hồi thì tài sản đó sẽ được đưa ra định giá và tiếp theo là bán đấu giá.

“Nghị quyết trên cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) bán theo giá thị trường, tức có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc nên dự báo các NH sẽ đẩy nhanh được tốc độ thu hồi nợ xấu đã tồn đọng lưu cữu trong hệ thống” - ông Trung nói.

Tổng Giám đốc NH SCB Võ Tấn Hoàng Văn phân tích thêm: “Việc đưa ra mức giá phù hợp để đấu giá tài sản đã bị thu giữ không phải do NH hay khách hàng đưa ra mà phải dựa trên mức giá của công ty thẩm định giá độc lập công bố. Mức giá này phải phù hợp với giá thị trường. Trong trường hợp giá tài sản cao hơn giá thị trường, không có người mua, đợt đấu giá tiếp theo có thể giảm tối đa 10% để hấp dẫn người mua tham gia”.

Nghị quyết 42 cũng cho phép NH được bán nợ dưới giá trị khoản vay - số tiền cho vay cộng với lãi phát sinh, đối tượng mua nợ không bị giới hạn. Mặt khác, cho phép NH được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án… Đây là điều kiện thuận lợi để NH và con nợ chốt giá bán tài sản thế chấp mà phần lớn là nhà đất.

Đáng lẽ phải làm lâu rồi

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cho rằng lẽ ra nghị quyết về xử lý nợ xấu và việc sửa đổi Luật Các TCTD phải thực hiện từ lâu rồi. Bởi nếu thực hiện sớm thì các tài sản được lưu động hóa thành nguồn “tiền tươi thóc thật” cho các TCTD, vì suy cho cùng các tài sản đó là cũng là tài sản của toàn xã hội.

Tán đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nghị quyết xử lý nợ xấu chính thức đi vào thực tế góp phần khơi thông dòng chảy vốn tín dụng, giảm lãi suất, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy vậy khi xiết nợ ngôi nhà, miếng đất hay cao ốc của người vay thì các NH cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh của khách hàng, tức phải xử lý có tình có lý. Bởi xét cho cùng, tuyệt đại đa số người đi vay đều muốn làm ăn có lãi để trả được nợ nhưng vì lý do nào đó mà không trả được nợ cho NH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN