Nhiều ngành khó khăn, doanh nghiệp dược vẫn báo lãi kỷ lục
Liên tiếp nhiều công ty dược niêm yết trên sàn chứng khoán báo lãi kỷ lục trong năm 2016.
Ngành dược “ăn đủ”
Báo cáo tài chính hợp nhất 2016 mới công bố của Công ty cổ phần (CTCP) Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận khoản lãi được đánh giá là “chưa khi nào tốt hơn”. Cụ thể, năm 2016 DHG lãi sau thuế 712,9 tỷ đồng, cao hơn 20,29% so với mức lãi năm 2015 là 592,6 tỷ đồng. Riêng quý IV/2016, lãi của công ty này tăng tới 43,5%. Đứng sau Dược Hậu Giang là CTCP Dược phẩm Traphaco (mã chứng khoán: TRA), với mức lợi nhuận sau thuế 208,1 tỷ đồng tăng 15,2% so với 180,6 tỷ đồng năm 2015.
Năm 2016, kết quả kinh doanh của TRA được đánh giá đạt mức tăng trưởng tốtvới lợi nhuận sau thuế 208,1 tỷ đồng tăng 15,2% so với 180,6 tỷ đồng năm 2015
Có thể nói, năm 2016, ngành Dược “ghi điểm” trên thị trường chứng khoán khi hầu hết doanh nghiệp niêm yết đều hoan hỉ báo lãi mà Dược Hậu Giang và Traphaco là trường hợp điển hình. Lấy thêm ví dụ, CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Dược phẩm Imexpharm (IMP) và Dược phẩm Hà Tây (DHT) cùng có mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi lên sàn, lần lượt đạt 168,5 tỷ đồng; 101 tỷ đồng và 54 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước và vượt khá cao so với chỉ tiêu lợi nhuận do HĐQT giao...
Điểm đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng lợi nhuận tốt trong khi doanh thu không tăng trưởng bao nhiêu. Theo tính toán của Báo Giao thông, tính đến hết quý IV/2016, tổng doanh thu thuần 12 doanh nghiệp ngành Dược đã niêm yết và có báo cáo tài chính đạt 12.834 tỷ đồng, tăng 8%; Trong khi tổng lãi ròng cổ đông công ty mẹ nhận được đạt 1.654 tỷ đồng, tăng đến 20%.
Thu nhập cao hay thấp, ốm vẫn phải uống thuốc
Lý do gì giúp các doanh nghiệp ngành Dược là một trong những lĩnh vực hiếm hoi vẫn tăng trưởng dù các ngành khác có suy thoái? Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán cho rằng, dù kinh tế tốt hay xấu người mắc bệnh cũng phải chữa và uống thuốc. Vì thế, kinh tế giảm thì ngành này sẽ chịu ít ảnh hưởng nhất.
Cổ phiếu ngành dược liên tục tăng giá Từ đầu năm đến nay các cổ phiếu ngành Dược liên tục tăng giá. Cụ thể, chốt đến 13/3, cổ phiếu TRA đã tăng giá 5,3% lên 119.000 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu DHT tăng tới 50,3% lên 83.000 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu DHG tăng 26,4% lên 125.000 đồng/cổ phiếu… Trong năm 2016, các cổ phiếu ngành Y tế, dược phẩm ghi nhận sự thăng hoa khi có cổ phiếu tăng tới hơn 100%. Trong 16 cổ phiếu ngành đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán có 15 cổ phiếu tăng giá và chỉ có một mã giảm giá... |
Cùng với mức tăng về thu nhập, người dân ngày một quan tâm đến chất lượng sống, sức khỏe. Đánh trúng tâm lý này, các doanh nghiệp liên tục tung ra những sản phẩm được quảng cáo có thể phòng ngừa, trị bệnh như “thần dược”. Thậm chí, nhiều thực phẩm chức năng - bản chất chỉ là thực phẩm có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, nhưng được quảng cáo mập mờ khiến cho nhiều người lầm tưởng về công dụng. Mặc dù chất lượng nhiều sản phẩm khó kiểm chứng bởi cần được sử dụng đúng, đủ liều lượng, thời gian, song những lời “có cánh” cũng giúp nhiều doanh nghiệp bội thu.
Đơn cử như Dược Hậu Giang, doanh nghiệp cho biết đang đi vào các dòng sản phẩm thực phẩm chức năng theo xu hướng tiêu dùng do dự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như: Gan mật, tiêm mạch, tiểu đường… Để đạt kết quả kinh doanh khả quan, năm 2016, DHG cũng mạnh tay chi 163 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, tăng tới 208% so với năm 2015...
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh tích cực của nhiều doanh nghiệp dược cũng nhờ đi theo hướng chú trọng chất lượng sản phẩm, tập trung sản xuất thuốc chất lượng cao. Như Traphaco, hiện đã tự cung cấp 90% nguyên liệu nhờ chính sách phát triển vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO và mảng thuốc đông dược đóng góp trên 3/4 tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Theo ước tính của Tổ chức Giám sát Kinh doanh quốc tế (BMI), tỷ trọng doanh thu thị trường thuốc đông dược sẽ tăng mạnh từ 1-1.5% hiện tại lên mức 30% trong năm tới nhờ sự bùng nổ về tiêu thụ thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông dược do nhu cầu giảm thiểu tác hại từ nhịp sống gấp gáp và môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Lợi thế của các doanh nghiệp trong nước sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông được đến từ nguồn nguyên dược phong phú, trong khi thuế nhập khẩu đối với thực phẩm chức năng hiện nay ở mức tương đối cao (15%) nên các sản phẩm thực phẩm chức năng đông dược nội địa như: Boganic, Hoạt huyết dưỡng não hầu như chiếm lĩnh phân khúc bình dân.
Tuy nhiên, BMI cho rằng, tiềm năng thị trường dược trong nước còn rất lớn khi giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ mới chiếm chưa đến 45% tổng giá trị sử dụng thuốc. Theo đó, các doanh nghiệp nội chủ yếu bào chế các loại thuốc đơn giản, phổ biến và giá rẻ. Trong khi các loại thuốc biệt dược có giá trị cao đa phần là thuốc nhập khẩu hay do các công ty dược liên doanh và nước ngoài phân phối.