Nhận BHXH một lần, người lao động thiệt thòi
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tỷ lệ người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần ngày càng gia tăng; dự báo, năm 2017 có gần 700 nghìn người, như vậy bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người rời xa quỹ hưu trí. Theo nhận định của các chuyên gia thực hiện chính sách xã hội, đây là thực tế đáng báo động, vì ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Nhiều người rời khỏi mạng lưới an sinh xã hội
Anh Nguyễn Văn Sinh, SN 1980, Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) vừa nghỉ việc tại một công ty xây dựng và đang làm thủ tục để hưởng BHXH một lần. Anh đã đóng BHXH được 16 năm. Anh Sinh chia sẻ, để đi đến quyết định hưởng chế độ một lần anh và vợ cũng đắn đo, trăn trở về vấn đề thiệt hơn. “Biết là đóng BHXH tiếp thì khi về già tôi sẽ có khoản lương hưu hàng tháng làm chỗ dựa và được hưởng chế độ BHYT, nhưng giờ tôi nghỉ việc chuyển ra kinh doanh tự do, nếu muốn đóng tiếp, không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, tôi rất ngại các thủ tục hành chính. Vì vậy, tôi quyết định làm thủ tục hưởng một lần”, anh Sinh cho biết.
Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, tình trạng NLĐ đề nghị nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH, chiếm 24% tổng số lao động. Từ năm 2013 đến năm 2016, cả nước có 2,5 triệu NLĐ xin lĩnh BHXH một lần. Dự báo, năm 2017 có gần 700 nghìn người, như vậy bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người rời xa quỹ hưu trí. Hiện số người nhận BHXH một lần tương đương số người tham gia mới vào hệ thống. Số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Khi nghỉ việc hoặc mất việc làm, họ thường không đóng tiếp mà xin nhận BHXH một lần. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, việc gia tăng người nhận BHXH một lần là tình trạng đáng báo động. Bởi mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020 là mở rộng diện bao phủ BHXH lên 50% nhưng hiện tại mới có 24% NLĐ tham gia BHXH. Trong khi đó, ngày càng nhiều người rời khỏi lưới an sinh xã hội.
Người lao động cần cân nhắc kỹ khi quyết định nhận BHXH một lần.
Người lao động thiệt đủ đường
Theo ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, việc gia tăng NLĐ nhận BHXH một lần, đồng nghĩa với việc số lao động khi về già không có lương hưu đang tăng lên, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ. Ông Được lưu ý NLĐ cần cân nhắc kỹ khi quyết định nhận BHXH một lần. Bởi họ sẽ rất thiệt thòi. Ông Được phân tích, khi nhận BHXH một lần thì NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già. NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
Ông Được phân tích thêm, với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương. Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được. Người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT. Khi chết, gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện.
Ông Được lấy ví dụ, một người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH, với mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Giả định, NLĐ này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2017 (không tính đến tác động của các yếu tố: Tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH) thì mức hưởng như sau:
Nếu hưởng lương hưu, lao động nam có thể sẽ nhận được mức lương hưu khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Tính theo tuổi thọ bình quân của nam giới là 78,1 năm thì số tháng hưởng lương hưu là 217 tháng. Tổng số tiền người đó được hưởng từ quỹ BHXH là 518,5 triệu đồng. Với lao động nữ, do tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ lớn hơn (60%) và thời gian hưởng lương hưu của nữ dài hơn nam (kỳ vọng sống của nữ ở độ tuổi 55 là 24,5 năm, tương ứng 294 tháng) nên tổng số tiền mà một lao động nữ trong ví dụ này sẽ được hưởng từ quỹ BHXH là: 758,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu nhận BHXH một lần, đối với cả nam và nữ đều thực hiện theo cách tính như sau: 4 x (1,5 x 18 + 2 x 2) = 124 triệu đồng. Như vậy, nam giới hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận BHXH một lần 394,5 triệu đồng; con số tương ứng này ở nữ giới là 634,5 triệu đồng.
“So với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần là rất thiệt thòi cho bản thân người lao động. Là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nuối khi người lao động lựa chọn phương án nhận BHXH một lần thay vì tích lũy để hưởng lương hưu. Vì người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập”. Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam |