Nhà phố thương mại sẽ “thất thủ” nếu cấm xe máy?

Sự kiện: Kinh Doanh

Câu chuyện cấm xe máy xôn xao thời gian gần đây khiến người dân đang kinh doanh nhà mặt phố lo lắng gặp khó khăn vì mất khách. Nguyên nhân bởi lâu nay người dân đi xe máy có thói quen tạt vào cửa hàng ngay mặt đường mua đồ.

Dạo qua nhiều con phố lớn ở Hà Nội, hầu hết các nhà mặt đường đều kinh doanh đủ các loại mặt hàng. Vì vậy “nhà mặt phố” luôn giữ giá cao dù thị trường bất động sản có lúc đóng băng. Và hình ảnh người dân đi xe máy tạt và những cửa hàng ngay trên phố để mua đồ, hay ăn uống… rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Vì vậy, việc cấm xe máy rộ lên thời gian gần đây khiến cả những người sở hữu nhà mặt phố và người đang kinh doanh mặt đường e ngại mình sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Anh Duy Toan, chủ cửa hàng kinh doanh thương hiệu thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cửa hàng tôi cách xa trạm xe buýt nên người dân mà sử dụng phương tiện này thay thế cho xe máy chắc chắn không ai phải đi bộ một đoạn khá dài chỉ để mua một cái áo họ ưng ý. Nếu người dân muốn đi bộ sẽ chọn lên phố đi bộ để mua sắm còn những hộ kinh doanh mặt đường như chúng tôi bao lâu nay coi như chết”.

Nhà phố thương mại sẽ “thất thủ” nếu cấm xe máy? - 1

Còn chị Kim Chung, đang thuê cửa hàng bán đồ ăn sáng trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, bán hàng ăn 20 năm nay ở đây đều là khách đi xe máy tới. Việc cấm xe máy chắc chắn ảnh hưởng đến việc bán hàng của chị tại mặt đường vì cửa hàng chị không gần các trạm dừng chân của phương tiện công cộng.

“Đi ô tô cá nhân thì không có chỗ để xe trên lòng đường, người ta cũng không thể bỏ thêm tiền đi taxi chỉ để vào ăn sáng hằng ngày được. Tôi nghĩ nhà nước nếu có cấm xe máy cũng phải nghĩ đến việc kinh doanh buôn bán của những hộ mặt đường như chúng tôi”, chị Chung nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội phân tích, việc cấm xe máy các nước thế giới làm rồi để văn minh đô thị, chống ùn tắc. Song song với việc này là nâng cấp cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, các phương tiện vận chuyển công cộng giá rẻ để duy trì những người bị giới hạn nguồn sống được đảm bảo là những hộ kinh doanh mặt đường.

Theo ông Cường, cơ quan chức năng phải có lộ trình, kế hoạch để chứng minh việc cấm xe máy tạo ra sự hẵng hụt, gián đoạn thế nào, phương tiện vận tải thay thế phải công khai để cộng đồng xã hội thấy nếu cấm xe máy thì cộng đồng được gì, thua thiệt gì.

Ông Cường cho biết thêm, hiện 90% người vào phố cổ, kinh doanh mặt đường đi lại bằng phương tiện là xe máy. Cơ quan chức năng phải chỉ ra rõ nếu nếu không có xe máy nữa là xe buýt công cộng, taxi trợ giá, metro… sẽ đảm bảo việc đi lại của người dân.

Ông Cường dẫn dụ, ở Trung Quốc, nhà mặt phố, không có nhu cầu kinh doanh người ta dồn làm cao ốc, ở dưới làm trung tâm thương mại đầy đủ dịch vụ, đầu tư vui chơi. Người ta tiết kiệm tài nguyên mặt đường. Nhà nước cũng sẽ tập trung những hộ kinh doanh vào một nơi để không bị thiệt thòi.

Còn theo một chuyên gia trong giới bất động sản cho hay, việc cấm xe máy sẽ làm giá trị nhà mặt đường xuống vì các hộ dân sẽ không thể kinh doanh như ngày xưa. Những khu nhà mặt phố lúc đó chỉ có thể ở và thể có thể còn kém hấp dẫn hơn nhà trong ngõ vì sự ồn ào, khói bụi khi ở mặt đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN