Nhà chờ sập hễ mưa thành ao: Kẻ muốn đi, người bám trụ
Nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân, trong giai đoạn 2015- 2017, UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị chức năng rà soát, xếp loại các khu nhà nguy hiểm để lập phương án sửa chữa hoặc di dời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nhà thuộc diện nguy hiểm cần di dân khẩn cấp không nhận được sự đồng thuận của người dân, trong khi có nhiều khu nhà trên 50 năm tuổi, đã mục nát lại bị bỏ quên...
Nhiều năm qua, cư dân khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) nhiều lần gửi đơn lên phường, quận phản ánh tình trạng nguy hiểm do khu nhà đã quá niên hạn sử dụng, móng lún sâu, các tầng phải gia cố tạm bợ.
Theo số liệu của UBND quận Hai Bà Trưng, nhà C5 được xây dựng bằng gạch từ năm 1960, phân cho cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí công trình và Công ty Vật tư 401 (Bộ GTVT).
Sau gần 60 năm, nhà C5 hiện xuống cấp nghiêm trọng, nhiều dầm chịu lực đã nứt, tường nhà, trần nhà nhiều chỗ bong tróc. Móng nhà đã bị lún nghiêm trọng khiến cửa ra vào các cầu thang dần bị thu hẹp đáng kể, nhiều nơi nhà thấp hơn sân, đường khoảng 1 mét.
Khu tập thể C5 Quỳnh Mai đã xuống cấp nghiêm trọng sau gần 60 năm đưa vào sử dụng nhưng không được xếp vào diện nguy hiểm, mặc dù tường và hệ thống chịu lực đã bị nứt, vỡ, móng nhà bị lún sâu 1 mét. Ảnh: Ngọc Cương.
Hễ mưa là thành… ao
Nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất với cư dân nhà C5 Quỳnh Mai là tình trạng ngập lụt mỗi khi trời mưa. Ông Trần Duy Hùng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, nhà C5 cho biết: “Những năm gần đây, các hộ dân tầng 1 đã phải học cách sống chung với “lũ” giữa Thủ đô.
Do tầng 1 bị lún sâu, chỉ cần mưa vài giờ là ngập, nước chảy vào tất cả các căn hộ tầng 1, nhấn chìm mọi vật dụng. Hễ mưa là các nhà phải bố trí người thay nhau tát nước. Có nhà, ngủ dậy thấy nước ngập đến sát mép giường.
Trời nắng, nước cống dội ngược lên sàn nếu không lau thấm là sẽ tạo thành vũng nước, bốc mùi xú uế nồng nặc. Gần nhất, đêm 16/8, chính gia đình tôi đã phải thay nhau tát nước mà không kịp”, ông Hùng nói.
Do nhà xây lâu năm, đến giờ 100 hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng đặt tại các tầng (mỗi tầng 20 hộ) đã xuống cấp, hệ thống nước thải thường bị trào ngược đã khiến nhà vệ sinh thường xuyên bị ngập úng và bốc mùi hôi thối, mỗi lần đi vệ sinh chẳng khác nào cực hình, vậy mà mỗi buổi sáng người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ đến lượt.
Không chỉ có vậy, hiện các đường ra vào nhà C5 đã không còn đủ rộng cho xe chữa cháy tiếp cận nên cư dân rất lo lắng nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn. Theo ông Hùng, tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền. Từ năm 2015, có rất nhiều đoàn đến khảo sát tòa nhà nhưng mọi việc đâu vẫn vào đó, còn nhà thì tiếp tục xuống cấp đe dọa an toàn của người dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Duy Minh - Phó phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cho biết, năm 2015, UBND quận Hai Bà Trưng đã mời Sở Xây dựng và các đơn vị chức năng trực tiếp xuống kiểm tra tại hiện trường, đoàn ghi nhận nhà cần kiểm định ngay và có biện pháp di dời cải tạo.
Gần đây, thực hiện chủ trương của thành phố, quận Hai Bà Trưng tiếp tục kiểm tra và xếp nhà C5 vào diện nhà xuống cấp nghiêm trọng, nhưng khi chuyển qua Viện Khoa học công nghệ - Kỹ thuật xây dựng Hà Nội kiểm định thì được xếp ở mức độ 2, mức chưa nguy hiểm nên việc cải tạo chưa thể thực hiện.
Nhà G6 A-B Thành Công được xếp vào nguy hiểm loại D. Ảnh: Mạnh Thắng.
Bám trụ
Trong khi hàng loạt khu tập thể xuống cấp cần được di dời, sửa chữa bị xếp ngoài danh mục ưu tiên, lại có một số khu tập thể nằm ở những vị trí thuận tiện, có giá trị thương mại cao được liệt vào danh sách nhà nguy hiểm cấp độ D nhiều năm qua nhưng không nhận được sự đồng thuận của cư dân, thậm chí bị nhiều hộ dân phản đối khi thực hiện quyết định cưỡng chế di dời.
Đơn cử, nhà G6A-B Thành Công được xếp trong diện phải di dời khẩn cấp từ năm 2016, nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận. Trước đó, nhà C8 Giảng Võ, khu tập thể Ngọc Khánh cũng nằm trong danh sách nguy hiểm nhưng đến nay chưa có hộ dân nào chịu di dời.
Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng ban đại diện nhà G6A-B nói, nhà G6A-B có bị nghiêng nhưng không ảnh hưởng gì, vì từ năm 1987 khi người dân chuyển về đây, nhà đã nghiêng như vậy. Sau đó, đơn vị quản lý có đặt tấm phên bê tông lên khoảng trống và nhà ổn định từ đó đến nay, người dân lên sân thượng vẫn đi lại bình thường trên tấm bê tông.
Trên địa bàn phường Thành Công cũng chưa có sự không đồng đều, khi nhà E6 từng được xếp vào diện nhà ở xuống cấp nghiêm trọng trước năm 2010, toàn bộ hệ thống cầu thang từ tầng 1 đến tầng 5 phải gia cố bằng thép hình chịu lực cỡ to, nhưng nhà E6 không nằm trong danh sách nhà nguy hiểm cần di dời để cải tạo.
Theo kết quả kiểm định của UBND quận Hai Bà Trưng, trên địa bàn phường Quỳnh Mai, ngoài nhà C5, còn có 11 khu tập thể khác thuộc diện “nhà xuống cấp nghiêm trọng” từ A1 đến A4; C1 đến C4; E1 đến E7. Đây là những toà nhà được xây dựng các năm 1960 - 1963 - 1968, nhà được xây bằng gạch đã ở trong tình trạng xuống cấp, đều có tuổi thọ trên 50 năm.
Tuy nhiên, khi danh sách chuyển qua Viện Khoa học công nghệ - Kinh tế xây dựng Hà Nội, những toà nhà này được đánh đồng về mức 2 (chưa nguy hiểm) như các khu tập thể khác mới được xây dựng theo công nghệ mới những năm 1980 trở lại đây.
Tại phường Bách Khoa, nhà A1 được xếp vào diện “nhà xuống cấp nghiêm trọng”, nhưng không được xếp loại trong danh mục công trình xuống cấp sau khi Viện Khoa học công nghệ - Kinh tế xây dựng Hà Nội thẩm định.
Trao đổi với PV, một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc xếp loại nhà nguy hiểm trên địa bàn đối với nhà G6A-B Thành Công, C8 Giảng Võ, Khu tập thể Ngọc Khánh…thời gian qua đều tuân thủ theo đúng tiêu chí được Bộ Xây dựng ban hành.
Các khu tập thể tại phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) vẫn chưa đến mức nguy hiểm nên chỉ xếp ở mức độ C để tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố. Trong thời gian chờ thành phố phê duyệt chủ trương cải tạo tổng thể, Sở sẽ lập phương án gia cố ở một số khu tập thể đã xuống cấp.
Hễ mưa là các nhà phải bố trí người thay nhau tát nước. Có nhà, ngủ dậy thấy nước ngập đến sát mép giường. Trời nắng, nước cống dội ngược lên sàn nếu không lau thấm là sẽ tạo thành vũng nước, bốc mùi xú uế nồng nặc. Gần nhất, đêm 16/8, chính gia đình tôi đã phải thay nhau tát nước mà không kịp”. Ông Trần Duy Hùng |