Ngân hàng lãi cao nhờ tín dụng và dịch vụ
Yếu tố cốt lõi giúp lợi nhuận 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng (NH) khởi sắc là tín dụng tăng mạnh. Bên cạnh đó, nguồn thu từ dịch vụ cũng ghi nhận sự chuyển động tích cực.
Tăng phí, doanh thu dịch vụ bứt phá
Đầu tháng 5 vừa qua, hàng loạt nhà băng âm thầm tăng phí dịch vụ các loại. Tại NH Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), phí nternet Banking của khách hàng cá nhân tăng từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng/quý. Phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking của NH Tiên Phong (TPBank) từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Tại Eximbank, phí này là 50.000 đồng/quý, tương ứng trên 16.000 đồng/tháng…
Mặc dù mức tăng không quá lớn, song mỗi NH nắm trong tay hàng nghìn, hàng vạn khách hàng, mỗi khách hàng lại sử dụng nhiều loại dịch vụ khác nhau, nên cũng thúc đẩy tăng doanh thu, lợi nhuận từ mảng kinh doanh này, đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh chung của tổ chức tín dụng.
Tính đến hết tháng 6, nợ xấu của hệ thống NH có cải thiện nhưng chưa đột phá. Nợ xấu tại Vietcombank, BIDV, VIB không thay đổi nhiều (ở mức 1,5 - 2,5%); VPBank giảm xuống 2,81%, MBBank 1,28%, KienLongBank 0,97%. Trong khi đó, một số NH có lãi tăng, như TPBank từ 0,42% hồi đầu năm tăng lên 0,54%, NCB tăng từ 1,48% lên 2,21%... |
Lấy đơn cử, 6 tháng đầu năm, hoạt động dịch vụ mang lại cho NH TPBank khoản thu nhập 118 tỷ đồng, lợi nhuận 79 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm ngoái (năm ngoái lần lượt là 62 tỷ đồng và 40 tỷ đồng). Trong đó, riêng quý II (sau thời điểm tăng phí), thu nhập từ dịch vụ chỉ 67 tỷ đồng, song mang lại tới 51 tỷ đồng tiền lãi, trong khi cùng kỳ năm ngoái, thu nhập và lãi từ dịch vụ chỉ đạt lần lượt 35 tỷ đồng và 22 tỷ đồng. Tương tự, sau một thời gian tăng phí, SacomBank cũng có lãi thuần dịch vụ tăng 23%, đạt 830 tỷ đồng tính đến hết tháng 6.
Nhiều NH khác cũng có kết quả tương tự. So với 6 tháng đầu năm 2016, nguồn thu dịch vụ của Vietcombank, BIDV đều tăng hơn 20%. Tại NH Quân đội (MBBank), lợi nhuận hoạt động dịch vụ 6 tháng đạt hơn 660 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần. Thậm chí, tại một số NH như: VPBank, VIB và KienLongBank, doanh thu từ hoạt động này tăng 70-80%... Đặc biệt, BacABank “bỏ túi” 64 tỷ đồng tiền lãi từ mảng dịch vụ, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỷ đồng.
“Hoạt động dịch vụ ghi nhận sự chuyển động rất rõ nét trong 6 tháng qua, đóng góp không nhỏ cho lợi nhuận của hệ thống NH. Mặc dù vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập, song nguồn thu từ dịch vụ của NH chúng tôi cũng tăng hơn 20% tính từ đầu năm đến nay”, Tổng giám đốc một NH TMCP tại TP.HCM nói và thừa nhận, doanh thu dịch vụ tăng trưởng khá thời gian qua cũng có phần nhờ vào việc tăng phí. Tuy nhiên, ông chia sẻ thêm, đây cũng là kết quả của quá trình cấu trúc nhằm tăng tỷ trọng mảng kinh doanh này của các NH. “Việc tăng phí chủ yếu để bù đắp chi phí phải “chia” cho các đối tác cung cấp về hạ tầng, công nghệ… chứ NH thu về cũng không bao nhiêu”, ông này giải thích.
Nhiều loại phí dịch vụ ngân hàng tăng thời gian qua góp phần nâng tỷ trọng đóng góp mảng kinh doanh này vào lợi nhuận hệ thống ngân hàng - Ảnh: Minh Tuấn
Cũng theo vị lãnh đạo NH này, lợi nhuận ngành bứt phá vừa qua, yếu tố cốt lõi nhất vẫn là nhờ tín dụng khởi sắc. Bên cạnh đó, nợ xấu có cải thiện giúp chi phí dự phòng một số NH giảm mạnh.
Khảo sát của Báo Giao thông cũng cho thấy, mặc dù mới nửa đầu năm, song tăng trưởng tín dụng của hầu hết NH có báo cáo tài chính đều ở mức 2 con số như: VPBank tăng 12%; Vietcombank và TPBank 14%; MB 14,5%; VIB và KienLongBank 16%...
Đây cũng là những nhà băng có lợi nhuận trước thuế ấn tượng. Trong đó, dẫn đầu là VietcomBank với lợi nhuận 6 tháng 5.255 tỷ đồng; BIDV 3.708 tỷ đồng; VPBank 3.200 tỷ đồng; ACB 2.700 tỷ đồng; MBB 2.524 tỷ đồng; LienVietPostBank xấp xỉ 900 tỷ đồng; Sacombank, VIB, OCB, TPBank khoảng 400-500 tỷ đồng; BacABank 237 tỷ đồng; SaigonBank 160 tỷ đồng; KienLongBank 140 tỷ đồng… Thậm chí, NH trong diện bị mua 0 đồng như OceanBank cũng bắt đầu có lãi…
“Ăn theo” chứng khoán
Ghi nhận doanh thu, lợi nhuận khả quan của hệ thống NH trong 6 tháng đầu năm, song ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia lĩnh vực NH cho rằng, kết quả này cũng được cộng hưởng bởi sự khởi sắc của thị trường chứng khoán vừa qua. Theo đó, bên cạnh 2 mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng và dịch vụ, nhiều NH thu lời kha khá từ đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Cụ thể, tại MBB, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn đạt gần 123 tỷ đồng trong 6 tháng qua, trong khi cùng kỳ lỗ gần 42 tỷ đồng; NH Á Châu (ACB), lãi thuần từ chứng khoán riêng quý II vừa qua gần 330 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 278 tỷ đồng; NH TPBank, 6 tháng năm ngoái chỉ lãi 26 tỷ đồng nhưng năm nay lãi 147 tỷ đồng… “Có NH, lợi nhuận chung chỉ 400-500 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ chứng khoán đã 140-150 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1/3. Về cơ bản, có lãi là tốt, nhưng mảng kinh doanh này phụ thuộc vào thị trường, nên khó bền vững”, ông Hiếu nhận xét.
Cũng theo ông Hiếu, nợ xấu tại nhiều NH vẫn chưa được xử lý căn bản, song chưa được minh bạch hóa, nên vẫn có thể trích lập dự phòng thấp nhằm làm “đẹp” báo cáo tài chính. Chưa kể, một số NH lại trích lập dự phòng ở kỳ cuối năm, nên chi phí này vẫn chưa đưa vào báo cáo 6 tháng, giúp kết quả kinh doanh giữa kỳ lạc quan hơn. “Dù các quy định về quản trị của hệ thống NH chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, song cũng như doanh nghiệp, NH vẫn có cách hạch toán để kết quả kinh doanh thể hiện khá hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh nhiều đơn vị đang rục rịch niêm yết sắp tới. Do đó, lợi nhuận thực chất của nhiều NH cũng cần được xem xét tỉnh táo và thận trọng”, ông Hiếu khuyến nghị.